Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng: Ứng dụng công nghệ mới để sản xuất sạch hơn


Với việc đăng ký tham gia dự án thay đổi công nghệ với Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng (Hoài Đức, Hà Nội) đã có những cải thiện đáng kể về công nghệ với dây chuyền làm việc mới giúp giảm lượng nước sạch tiêu thụ đến 99%, tổng lượng nước sử dụng giảm đi hàng năm lên tới 12.000m3.

Hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng chuyên cung cấp các sản phẩm lưới nhựa trong khu vực nội địa đặc biệt các đại lý bán lẻ trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tính đến năm 2011, hộ đã có 18 nhân công với doanh thu đạt được là 570.000USD (số liệu thống kê năm 2011). 

Các thiết bị được doanh nghiệp dùng để sản xuất lưới nhựa như: máy trộn, máy đùn ép, hệ thống tuần hoàn nước làm mát, bàn nhiệt (kéo dãn), máy cuộn, máy dệt đều sử hoạt động theo công nghệ cũ dẫn đến lượng tiêu thụ nước lớn và mức tiêu hao năng lượng cao. Bên cạnh đó là ảnh hưởng tới môi trường từ lượng nước làm mát và nước nóng thải ra ngoài.

Sau khi đăng ký dự án thay đổi công nghệ với Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC). Dây chuyền sản xuất lỗi thời trước đây với bước trộn thủ công, máy đùn ép đời cũ, hệ thống làm mát không tuần hoàn nước và  kéo dãn bằng  nước nóng được thay thế bằng dây chuyền sản xuất hiện đại bán tự động. Việc thay đổi công nghệ này giúp doanh nghiệp cắt giảm đáng kể lượng nước sử dụng nhờ có tuần hoàn nước làm mát và bàn nhiệt. Dây chuyền sản xuất mới cho thấy tiết kiệm một lượng nước rất lớn cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả hơn so với hệ thống máy móc cũ cụ thể là: giảm lượng nước sạch tiêu thụ tới 99% cùng với tăng hiệu quả sản xuất hàng ngày lên 8%. Tổng lượng nước sử dụng giảm đi hàng năm lên tới hơn 12.000m3, tiêu thụ điện giảm 30%. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc của nhân công cũng được cải thiện do nhiệt độ môi trường giảm và giảm rủi ro do tai nạn chảy tràn; năng suất lao động tăng lên và cũng tăng khả năng giao hàng đúng hạn.



Thay đổi công nghệ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể lượng nước sử dụng

Khoản vay tín dụng mà hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng đầu tư cho dự án này là 161.982USD. Hộ kinh doanh của ông Tùng đã được GCTF bảo lãnh 50% giá trị khoản vay với mức được phê duyệt là 80.991USD tại Ngân hàng Techcombank. Sau khi kết thúc dự án, từ việc phân tích chỉ số môi trường lựa chọn (sử dụng nước sạch) được đo đạc trước và sau khi đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới, từ mức giảm sử dụng nước sạch được xác định, doanh nghiệp đã được thụ hưởng khoản trả thưởng cao nhất của quỹ GCTF tương đương với 25% giá trị tín dụng  (40.495USD) cho việc cải thiện môi trường.


Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Công nghệ sản xuất xi măng của Nhật Bản

Công ty thiết kế Taiheiyo là một trong những công ty nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí cho công nghiệp xi măng của Nhật Bản. Đáp ứng cho những yêu cầu thực tế ngày càng cao trong công nghệ sản xuất xi măng, ông ty thiết kế Taiheiyo đã nghiên cứu thiết kế một số thiết bị công nghệ mới như: Hệ thống buồng tiền nung RSP mới nhất; hệ thống nhánh trích khí Clo mới nhất; Máy phân li khí hiệu suất cao O-Sepa. Trong bài này giới thiệu sự phát triển hệ thống buồng tiền nung RSP mới nhất để đốt 100% nhiên liệu khó cháy và Máy phân li khí hiệu suất cao O –Sepa.
Do các điều kiện kinh tế có và giá bán xi măng thấp trên thị trường thế giới, nên có rất nhiều cố gắng để làm sao giảm giá thành xi măng sản xuất. Một trong những biện pháp này là giảm chi phí nhiên liệu sử dụng. Việc này đã thúc đẩy công ty thiết kế Taiheiyo phát triển hệ thống tiền nung RSP mới nhất (tháp trao đổi nhiệt tầng sôi tăng cường), để có thể sử dụng 100% nhiên liệu có chất lượng kém và giá thấp như than antraxit, FOC và DOC (sản phẩm phụ từ chế biến dầu mỏ). Đốt bằng các nhiên liệu khó cháy sẽ rẻ hơn và chúng có nhiệt trị cao nếu so sánh với loại than bình thường, nhưng đồng thời các nhiên liệu này có chất bốc cháy thấp và có đặc tính tốc độ cháy chậm.
Hệ thống tiền nung RSP mới nhất (tháp trao đổi nhiệt tầng sôi tăng cường) này đem thuận lợi cho việc tận dụng các loại nhiên liệu có chất lượng thấp và giá rẻ, vì vậy cho phép làm giảm giá nhiên liệu cũng như chi phí sản xuất xi măng. Thành công này không những làm giảm giá nhiên liệu để sản xuất xi măng mà còn giúp hướng tới giữ gìn nguồn nhiên liệu và kéo dài tuổi thọ các mỏ nhiên liệu tự nhiên (than). Những nhiên liệu chất lượng thấp, giá rẻ cũng nằm trong những loại nhiên liệu khó cháy như than antraxit (nguồn tại địa phương), FOC (than cốc dầu lỏng) và DOC (than cốc dầu lưu) từ các sản phẩm phụ của công nghiệp lọc dầu mỏ. Các nhiên liệu khó cháy nêu trên có giá rẻ và có nhiệt trị cao nếu so sánh với loại than bình thường, nhưng đồng thời chúng có chất bốc thấp và với đặc điểm tốc độ cháy chậm. Dễ dàng đốt cháy các nhiên liệu khó cháy trong lò quay vì thời gian lưu dài và nhiệt độ cao có thể đạt được tại dôn đốt đầu tiên. Nhưng những nhiên liệu này lại khó đốt trong hệ thống trao đổi nhiệt do khó giữ thời gian lưu dài và nhiệt độ cao tại dôn đốt đầu tiên.
Một đặc điểm đặc trưng của than bitum thông thường cũng được giới thiệu để dễ dàng so sánh. Cả ba loại nhiên liệu khó cháy này đều có hàm lượng chất bốc thấp so với than bitum thông thường. Mặt khác than cốc dầu FOC và DOC lại có hàm lượng sunfua cao nếu so với than antraxit và than bitum thông thường. Cả ba loại nhiên liệu khó cháy này đều có nhiệt trị cao hơn nhiều, nhưng tốc độ cháy chậm, vì vậy đòi hỏi nhiệt độ bốc cháy cao hơn ngay từ đầu so với than bình thường.
Công nghệ nguyên khai đốt cháy 2 giai đoạn trong RSP:
Nhìn chung mặc dầu khó khống chế nhiệt độ tâm ngọn lửa trong buồng tiền nung, chúng ta đã không gặp phải khó khăn như vậy trong việc giữ nhiệt độ cao vì hệ thống buồng tiền nung RSP là hệ thống có hai giai đoạn cháy. Gió 3 được cấp vào buồng tiền nung RSP bằng 2 con đường khác nhau. Nếu cần thiết độ cao hơn trong RSP, có thể đơn giản mở van của của vòi đốt Swirl (SB). Nhờ tăng khối lượng khí 3 qua van SB thì việc đốt cháy ban đầu (đốt cháy các chất bốc) của nhiên liệu sẽ được tăng cường do có hàm lượng O2 cao hơn, dẫn đến đạt nhiệt độ cao trong buồng RSP. Và việc đốt cháy ban đầu được thực hiện không có hỗn hợp bột nhiên liệu từ những tầng xiclôn dưới cùng. Có sự liên kết rất rõ giữa “góc mở của van SB” và “nhiệt độ tâm trong RSP” được biểu diễn bằng giản đồ. Giản đồ này đã được thực hiện qua việc vận hành thực tế trong suốt giai đoạn đầu của sự phát triển RSP trong mấy năm qua. Từ giản đồ này thấy rằng có thể dễ dàng đạt được nhiệt độ tâm ngọn lửa cao trong RSP nếu tăng độ mở của van SP cũng như tăng nhiệt độ gió 3 từ máy làm lạnh clinker.
Công nghệ buồng tiền nung mới nhất để đốt nhiên liệu khô cháy:
Chú ý tới các đặc tính cơ bản cho đốt than antraxit đơn như “bắt lửa khó và tốc độ cháy chậm” và công nghệ đốt 2 giai đoạn của thiết kế nguyên khai RSP, các nguyên tắc yêu cầu hiết kế về buồng tiền nung mới nhất để đốt nhiên liệu khó cháy bao gồm:
- Tăng thời gian lưu dôn tiền nung (để đạt được cháy hoàn toàn).
- Có khoảng không gian từ đầu và cuối vòi đốt tới đầu vào của bột liệu (để đạt được đốt cháy hoàn toàn).
- Phân phối bột liệu vào buồng tiền nung trong 2 vị trí khác nhau (để tối ưu hoá điều kiện đốt trong buồng tiền nung). Có sự khác nhau giữa RSP truyền thống và buồng tiền nung RSP mới nhất để đốt than antraxit đơn. Khi so sánh với RSP truyền thống, buồng tiền nung RSP mới nhất để đốt than antraxit đơn có một ống dẫn kéo dài lên cho đầu ra của buồng trộn tới đầu vào của xiclôn tầng dưới cùng và phần kéo dài phía dưới của buồng tiền nung. Nhiệt độ của dôn nung trong buồng tiền nung cao hơn so với điều kiện chuẩn trong RSP truyền thống. Chính là do buồng tiền nung đã được vận hành không có sự phân phối bột liệu từ xiclôn tầng gần dưới cùng và cấp cho chỉ phần dưới của buồng tiền nung như của RSP truyền thống. Các số liệu khác giống như RSP truyền thống. Do sử dụng thành công các nhiên liệu khó cháy đã giúp cho giảm chi phí sản xuất cũng như hỗ trợ chủ trương bảo tồn các mỏ nhiên liệu than tự nhiên. Với việc thành công đốt cháy 100% than antraxit đã mở đường cho việc sử dụng công nghệ đốt cháy 100% than cốc dầu. Mới đây, nhánh trích khí Clo đơn giản đã cải tiến và được áp dụng, khi có yêu cầu để hệ thống này khắc phục sự dư thừa khí Sunfua, Clo,,,Hệ thống buồng tiền nung RSP mới nhất đảm bảo vận hành liên tục và ổn định khi chỉ dùng 100% các loại hình nhiên liệu khó đốt cháy bởi các đặc điểm vượt trội của hệ thống RSP mới nhất này.
Thiết bị phân li khí hiệu suất cao O-Sepa
Thiết bị phân li khí hiệu suất cao O-Sepa được phát triển bởi Công ty xi măng Taiheiyo và được sử dụng thành công trong các nhà máy xi măng là một thiết bị phân li khí lớn, hiệu suất cao có thể xử lý một lượng lớn bột liệu trong một thiết bị gọn, cho phép giảm giá đáng kể chi phí ban đầu và chi phí vận hành trong sản xuất xi măng. Nó còn cho phép phân li chính xác các sản phẩm mịn với nhiệt độ thấp hơn so với thiết bị phân li khí truyền thống. Điều này cho phép sản xuất xi măng chất lượng cao với chi phí thấp đáng kể.
Thiết bị phân li khí truyền thống thường sử dụng trong công nghiệp xi măng không có một lượng khí đồng nhất để phân li và cũng không có điều kiện thay đổi đồng bộ các vật liệu trong buồng phân li. Điều này làm cho hiệu quả phân li trong các thiết bị này rất kém. Và kích thước các thiết bị nghiền và phân li trở nên lớn hơn, người ta hy vọng rằng các thiết bị sản xuất đại trà có hiệu quả cao với giá thành ban đầu giảm và cho phép sản xuất xi măng chất lượng cao với chi phí vận hành giảm giá đáng kể.
Để giải quyết các vấn đề này, Công ty xi măng Taiheiyo đã phát triển thiết bị phân li khí O-Sepa và hệ thống áp dụng chúng, cho phép duy trì hiệu quả phân li cao nhất tương ứng với kích thước của nó. Nó có một cơ chế độc đáo đảm bảo 2 bước xoáy dòng khí trong buồng phân li, điều này đảm bảo sự phân li chính xác trong một thể tích rất gọn, thay vì sự vận hành trong các điều kiện khí rắn đậm đặc cao.
Công nghệ O-Sepa có các đặc tính sau:
- Việc ngắt rất chính xác không thể có được trong máy phân li truyền thống thì nay có thể thực hiện được bằng một cơ cấu phân li duy nhất.
- Trong trường hợp sử dụng cho xi măng, sư phân bố cỡ hạt được cải thiện làm cho cường độ cao hơn ngay cả khi có bề mặt diện tích riêng thấp.
- Hiệu quả phân li cao dẫn tới hiệu quả nghiền cao và tiêu hao năng lượng thấp.
- Cỡ hạt mịn rất dễ dàng lựa chọn bằng cách đơn giản điều chỉnh vận tốc quay, như vậy rẩt phù hợp với một hệ thống nghiền nhiều loại sản phẩm khác nhau.
- Một khối lượng lớn khí lạnh được sử dụng cho phân ly làm cho nhiệt độ sản phẩm thấp hơn.
- Khi chứa nhiều bụi từ hệ thống nghiền được sử dụng để phân li làm cho hệ thống đơn giản hơn.
- Hệ thống O-Sepa gọn hơn so với phân li truyền thống. O-Sepa rất lý tưởng để phân li các vật liệu như tất cả các loại xi măng, nguyên liệu ximăng, đá vôi, đá sét, xỉ, than đá, trobay và cốc.
Khi sử dụng thiết bị phân li O-Sepa sản xuất các sản phẩm xi măng sẽ đạt:
1. Hiệu suất phân li tuyệt vời, công suất máy nghiền có thể tăng thêm 5-10%, như vậy giảm tiêu hao năng lượng.
2. Do khí chứa bụi cao được sử dụng như là khí phân li, một khối lượng khí lớn được thoát ra từ máy nghiền và như vậy nhiệt độ của xi măng xuống thấp.
3. Một khối lượng vật liệu lớn có thể được xử lý trong một thiết bị rất gọn.
4. Sự phân bố cỡ hạt xi măng được cải thiện, góp phần làm tăng mác xi măng, do vậy diện tích bề mặt riêng của sản phẩm mịn có thể giảm xuống (5-10%).
5. Độ mịn của sản phẩm có thể dễ dàng điều chỉnh trong một dải rộng (từ 2.000đến 7.000cm2/g) bằng cách đơn giản thay đổi vận tốc quay
Nguồn  Hiệp hội Xi măng Việt Nam.
http://gctf.vn/cong-nghe-san-xuat-xi-mang-cua-nhat-ban/

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Đổi mới công nghệ ở các làng nghề Hà Nội

Đổi mới là yêu cầu tất yếu

Lâu nay, chúng ta vẫn dùng cái tăm để nói những chuyện nhỏ không đáng bàn. Nhưng khi Việt Nam dùng USD để nhập tăm tre thì nó không còn là chuyện nhỏ nữa. Một đất nước nhiều làng nghề, người nông dân vẫn cần việc làm thêm để tăng thu nhập, một đất nước tự hào là đất nước của tăm tre mà hàng nghìn tấn tăm tre được nhập qua các cửa khẩu là một chuyện đáng phải suy nghĩ. Việt Nam không thiếu nguyên liệu, giá nhân công Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất thế giới. Nhưng tăm ngoại vẫn... rẻ hơn. Nguyên nhân là việc sản xuất tăm của nước ngoài được hỗ trợ bởi máy móc kỹ thuật nên "nhanh, nhiều, rẻ" hơn tăm tre Việt Nam.

Với 1.350 làng nghề, Hà Nội đứng đầu danh sách làng nghề cả nước. Năm 2010, các làng nghề thu hút 170.600 hộ gia đình tham gia, giá trị sản xuất đạt hơn 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng như mặt hàng tăm tre, nhiều mặt hàng của các làng nghề Hà Nội chịu sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng nước ngoài cùng chủng loại, trên cả "sân nhà" lẫn trong xuất khẩu. Lâu nay chúng ta mới nói đến đổi mới công nghệ để tránh ô nhiễm môi trường, để bảo đảm vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, còn vấn đề quan trọng khác là đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, để thích nghi với những yêu cầu mới của xã hội. Đây là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Một trong những thí dụ dễ thấy về sự cần thiết trong đổi mới là ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Vài năm trở lại đây, nghề mây tre đan ở Phú Vinh bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội Nghệ nhân Phú Vinh, một trong những nguyên nhân là do mây tre đan Phú Vinh đang gặp sự cạnh tranh quyết liệt từ các sản phẩm cùng chủng loại của Trung Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a... Đây cũng là những nước có truyền thống về hàng thủ công mỹ nghệ. Theo ông Trung, chúng ta đang yếu thế về chất lượng sản phẩm cũng như giá thành. Nếu không có sự thay đổi từ chính các công đoạn sản xuất, từ giá thành sản phẩm thì sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh nổi. Qua khảo sát cách làm ăn của Trung Quốc, ông Trung cho biết, mặc dù là mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng hiện nay, các nhà sản xuất mây tre nước này đã áp dụng công nghệ vào khá nhiều công đoạn, nhất là khâu không đòi hỏi sự tinh xảo của bàn tay người thợ như pha chế, xử lý nguyên liệu, do đó tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. Trong khi đó, phần lớn các cơ sở sản xuất ở Phú Nghĩa vẫn chưa quan tâm việc đổi mới công nghệ trong một số công đoạn sản xuất. Nếu không có sự đầu tư, việc "hụt hơi" trong cạnh tranh là điều khó tránh.

 Bắt đầu từ đâu?

Chúng ta từng có những bài học về thành công trong đổi mới công nghệ làng nghề. Một điển hình là ở làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Hiện tại, hầu hết các cơ sở sản xuất gốm Bát Tràng đã chuyển từ lò than sang lò ga. Nhiều cơ sở chỉ giữ lò than để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Đổi mới công nghệ khiến cho môi trường làng nghề giảm ô nhiễm. Bên cạnh đó, dùng lò ga khiến người thợ hoàn toàn chủ động về điều chỉnh nhiệt độ, qua đó, cho ra đời những sản phẩm ưng ý hơn, ít sản phẩm bị lỗi, nâng cao hiệu suất. Tuy nhiên, không phải tất cả những đổi mới ở các làng nghề đều thành công.

Làng nghề Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với các sản phẩm sơn mài. Sơn mài Hạ Thái được xuất đi đến nhiều thị trường lớn trên thế giới, từ các nước châu Âu cho đến Hoa Kỳ, Nhật Bản. Trước kia, sản phẩm sơn mài Hạ Thái dùng sơn ta. Tuy nhiên, nhược điểm của việc sử dụng sơn ta là tốn nhiều thời gian sản xuất. Trong khi đó, khi thực hiện các hợp đồng với đối tác nước ngoài, vấn đề thời gian giao các lô hàng được kiểm soát rất gắt gao. Người Hạ Thái nhanh chóng đổi mới bằng việc sử dụng sơn Nhật. Việc dùng sơn Nhật cho sản phẩm đem lại hiệu quả tức thì: Sản phẩm nhanh khô, dễ xử lý và có giá thành thấp hơn ba đến bốn lần so sản phẩm làm bằng sơn ta. Vì thế, mặt hàng sơn mài Hạ Thái làm từ sơn Nhật bán khá chạy. Nhưng đó mới là một nửa của vấn đề. Sản phẩm sơn mài làm từ sơn ta là một đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam. Độ bền của sản phẩm này lên tới vài trăm năm. "Đổi mới" bằng việc dùng sơn Nhật đem lại cái lợi trước mắt. Song về lâu dài, nguy cơ mai một nghề truyền thống là điều hiện hữu. Chính nghệ nhân Đỗ Trọng Tuất - một nghệ nhân cao niên của làng Hạ Thái thừa nhận là làng nghề ngày càng ít người thợ khéo tay. Nếu mải chạy theo vấn đề trước mắt, nghề sơn mài truyền thống có thể biến mất hoàn toàn.

Một vấn đề nan giải không kém trong đổi mới là nguồn vốn. Những máy móc sơ chế nguyên liệu mây tre đan như ở Phú Vinh có giá thành lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, phần đông các hộ gia đình làm nghề mây tre đan đều là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, khả năng đầu tư vốn hạn chế. Không những thế, việc mua các loại máy móc phục vụ cho đổi mới công nghệ làng nghề không dễ. Nhận thấy nghề mây tre đan có thể sử dụng máy móc vào nhiều công đoạn không đòi hỏi sự tinh tế của bàn tay con người, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là người tiên phong trong đổi mới công nghệ. Nhưng để đổi mới công nghệ cho cơ sở sản xuất của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung phải nhập khẩu máy từ Trung Quốc. Như thế, để làng nghề phát triển, chúng ta vẫn còn thiếu một mảng quan trọng trong công nghiệp, đó là sản xuất máy móc phục vụ làng nghề.

Cần những giải pháp cụ thể
Hà Nội đã soạn dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có vấn đề đổi mới công nghệ làng nghề, nhưng vấn đề này được đề cập rất sơ lược. Những giải pháp được xem là quan trọng nhất trong dự thảo Quy hoạch này mới chỉ dừng lại ở mức khuyến khích các hộ sản xuất áp dụng công nghệ mới, cơ quan chức năng của thành phố hỗ trợ nghiên cứu và tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... Nếu chỉ làm như vậy thì không thể giải quyết những vấn đề bức xúc nêu trên ở các làng nghề. Hiện nay, thành phố đã phân nhóm những làng nghề như: làng nghề thêu ren; làng nghề mây - tre - đan, tăm hương, làm lồng chim; làng nghề cơ kim khí... Việc cần thiết là phải đánh giá thực trạng những nhóm ngành nghề nào có thể đổi mới công nghệ thay cho lao động thủ công; những công đoạn cụ thể nào cần đổi mới, từ đó mới đưa ra những biện pháp thiết thực để hỗ trợ người nông dân. Đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng một nền công nghiệp hỗ trợ cho các làng nghề ở khu vực nông thôn, có như vậy các làng nghề, nhất là làng nghề tiểu thủ công nghiệp mới có thể phát triển bền vững, giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo Nhandan.

Đổi mới công nghệ - con đường ngắn nhất dẫn đến thành công của doanh nghiệp

 Trong môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, hiện nay, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững. Thực tế này đang đặt ra cho các doanh nghiệp những yêu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường…

 Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu không có những hoạt động nhằm đổi mới công nghệ thì chắc chắn hệ thống công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc, trang thiết bị… sẽ trở nên lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến bị đào thải, làm cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp bị đe doạ. Đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm; đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, về mặt lợi ích thương mại, nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo được ưu thế vững vàng trên thị trường cạnh tranh. Hà Tĩnh như một công trường lớn. Hầu như ngày nào tỉnh nhà cũng được đầu tư, nâng cấp để từng bước khẳng định mình, vươn lên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại và phát triển. Hàng nghìn dự án lớn, nhỏ đã được triển khai, ghi dấu là những dự án, công trình trọng điểm như: KTT Vũng Áng (Kỳ Anh); dự án Mỏ sắt Thạch Khê; KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn); dự án Ngàn Trươi- Cẩm Trang… Theo đó, các nhà sản xuất cũng không ngừng thay đổi chiến lược hoạt động, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, ưu tiên nhất là vấn đề về đổi mới công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ thuộc các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, cái khó của các doanh nghiệp (cả nhà nước lẫn tư nhân) vẫn là chưa chủ động huy động được nguồn vốn từ các kênh khác nhau để đầu tư cho khoa học và công nghệ mà lệ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Nhìn chung doanh nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ do yếu về năng lực tài chính nên sử dụng công nghệ lạc hậu; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, mang tính chắp vá, không đồng bộ cộng với tay nghề công nhân; số doanh nghiệp tạo ra sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn còn chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy được vai trò của đổi mới và cải tiến công nghệ đối với sản xuất.Mặt khác, lực lượng lao động trong doanh nghiệp có trình độ công nghệ còn ở mức trung bình, đạt khoảng 32%, còn lại phần lớn là lao động phổ thông. Có những ông chủ doanh nghiệp chưa được đào tạo có hệ thống về những kiến thức quản lý kinh tế, tin học; trình độ tay nghề của công nhân lao động còn ở mức thấp. Đó là nguyên nhân khiến hiệu suất lao động của rất nhiều doanh nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng còn thấp. Như là một “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ việc thực hiện đổi mới công nghệ. Cùng với việc ưu tiên bố trí ngân sách, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để các DN từng bước đổi mới, nâng cao trình độ; không ngừng du nhập những công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước áp dụng vào sản xuất. Nhờ thực hiện chính sách này, ngành KHCN đã hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới có hiệu quả một số công nghệ như: sản xuất hạt nhựa đa chủng loại, công nghệ sản xuất phôi thép đen, lưới B40 và dây thép gai, công nghệ composite sản xuất các vật liệu mới, công nghệ sản xuất gạch bằng lò đứng liên tục,....Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình hợp tác KH&CN, nhiều công nghệ mới được du nhập như: công nghệ sản xuất hoa phong lan, công nghệ chăn nuôi lợn siêu nạc, công nghệ nhân giống bò từ Thái Lan, công nghệ sản xuất ống betong, sản xuất gạch không nung. Gắn liền đó là việc tham gia các hội chợ công nghệ trong và ngoài nước, nhằm tạo điều kiện để các DN quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường thế giới; hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá (đến tháng 9/2010 có 120 đối tượng SHTT được cấp bằng bảo hộ); xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – 2000; xây dựng các chính sách nhằm phát triển xuất khẩu… Mặc dù số doanh nghiệp có khả năng đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ còn hạn chế nhưng có thể coi đây là những tín hiệu tích cực của các DN trong quá trình tìm đến những công nghệ mới, tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Và cũng là hướng đi cần thiết để các DN có thể vươn tới sự bền vững. Theo baohatinh

Sáng kiến xử lý nước thải làng nghề chế biến giấy với giá thành phù hợp

Tóm tắt: Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, bộ mặt nông thôn cũng có nhiều đổi mới do có sự đóng góp của kinh tế các làng nghề. Bên cạnh thành tựu về kinh tế, làng nghề đã và đang gây ra các hậu quả nghiêm trọng về mặt môi trường.
Theo dự báo, ô nhiễm nước ở các làng nghề sẽ còn diễn biến phức tạp nếu không kịp thời và kiên quyết áp dụng các giải pháp quản lý và kỹ thuật. Bài báo này trình bày về một trong những giải pháp kỹ thuật xử lý ô nhiễm nước tại các làng nghề chế biến giấy, đó là "Sáng kiến xử lý nước thải làng nghề chế biến giấy với giá thành phù hợp với mức thu nhập trung bình của người dân". Kết quả đưa ra hệ thống xử lý nước với hiệu suất tốt, dễ vận hành, bảo quản và có giá thành rất phù hợp với túi tiền của người lao động ở các làng nghề chế biến giấy.
I. Giới thiệu
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, môi trường của không ít làng nghề suy thoái trầm trọng và tùy theo loại hình sản xuất mà môi trường ở các làng nghề chịu sự ô nhiễm khác nhau. Hiện na, việc xử lý ô nhiễm môi trường nói chung và xử lý ô nhiễm môi trường nước nói riêng đã và đang được rất nhiều các nhà khoa học quan trâm nhằm đưa ra giải pháp thích hợp xử lý ô nhiễm.
Trong các công đoạn của công nghệ tái chế giấy, nước thải công đoạn ngâm, tẩy, nghiền trong tái chế giấy chiếm khoảng 50% tổng lượng thải, chưa nhiều hóa chất như xút, nước giaven, phèn, nhựa thông, phẩm màu, xơ sợi. Nước thải thường chứa nhiều bột giấy, lượng cặn có thể lên tới 300 - 600 mg/l.
Theo các kết quả khảo sát cho thấy, nước thải sản xuất tại các làng nghề có COD, BOD5, SS vượt TCVN từ 1,5 - 15 lần.
Trong số các làng nghề tái chế giấy có làng nghề Dương Ổ và Phú Lâm ở Bắc Ninh là hai làng nghề có quy mô sản xuất lớn. Tổng khối lượng nước thải lên tới 3500 m3/ngày. Hàng ngày đã thải vào nguồn nước mặt khoảng 1.450 - 3000 kg COD và 3000 kg bột giấy.
Tại các làng nghề tái chế giấy này, công nhân và người lao động bị mắc các bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da và thần kinh rất cao. Ví dụ như tại xã Phong Khê ( Bắc Ninh), tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp ngoài da, đường ruột có xu hướng tăng nhanh, nếu như năm 2001 mới chỉ có khoảng 200 người mắc bệnh thì năm 2004 đã có gần 400 người. Đây thực sự là hồi chuông báo động về sức khỏe người dân làng nghề.
Trước thực trạng như vậy, việc các nhà khoa học, các chuyên gia phải đi vào nghiên cứu các phương án kỹ thuật phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân làng nghề chế biến giấy, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là rất cần thiết. Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Vũ Chí Cường làm chủ nhiệm đề tài, cố vấn PGS. TS Trần Hồng Côn đã đề xuất và đưa ra được một hệ thống xử lý nước thải mini tại làng nghề chế biến giấy, với hiệu suất xử lý cao, giá cả vận hành và bảo dưỡng phải chăng dựa trên phương pháp sinh học.
II. Quy trình công nghệ
Các loại nước thải của làng nghề tương đối đa dạng. Đối với nước thải làng nghề chế biến giấy (chủ yếu là tái chế giấy để làm giấy vệ sinh), dòng dịch đen không nhiều trong dòng thải chung, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Vũ Chí Cường làm chủ nhiệm đề tài, cố vấn là PGS.TS Trần Hồng Côn đã đề xuất thiết kế và chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước thải mini của làng nghề giấy như sau:
Hình 1. Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải mini của làng nghề gỗ và giấy.
Ở đây có thể chia thành 3 trường hợp khác nhau:
+ Trường hợp 1: Nước thải không có màu: Nước thải từ dây chuyền chế biến giấy chưa qua xử lý được đưa vào bể khuấy I tại đây ta cho vào chất để trung hòa kiềm là axit H2SO4 và một số chất xúc tác khác. Tại đây nhờ lực ly tâm và trọng lượng nên phần chất thải rắn được lắng xuống và tháo ra ngoài, phần nước được tràn qua bể keo tụ II. Tại bể II những chất rắn lơ lửng (SS) và chất hữu có dễ phân hủy BOD được keo tụ lại và phần nước được tràn sang bể lắng III. Tại bể lắng III bùn sơ sợi được tháo ra để tái sử dụng còn nước tháo ra ao, hồ đạt tiêu chuẩn B theo QCVN 14: 2008/BTNMT.
+ Trường hợp 2: Nước thải có màu thì tại bể I ta cho thêm cacbon hoạt tính để hấp phụ màu và một số phụ gia khác và quá trình tương tự như trên.
+ Trường hợp 3: Nước thải có màu và hàm lượng tinh bột cao (COD cao) thì ta cần có thêm sơ đồ sau đây để tiếp tục xử lý sau khi ra khỏi bể III:
Hình 2: Sơ đồ xử lý nước thải bổ sung khi có màu và hàm lượng tinh bột cao (COD cao)
Tại bể IV ta bổ sung vi chất và sục không khí, tại đây hàm lượng tinh bột sẽ bị xử lý sau đó nước tiếp tục được tràn vào bể V. Tại bể V bùn vi sinh lắng xuống dưới và được thải ra ngoài, một phần nước dưới đáy được bơm quay vòng về bể vi sinh hiếu khí IV. Nước sau bể V thải ra ngoài đạt tiêu chuẩn B.
Điều quan trọng là các vật liệu và thiết bị trên đây có thể xem là đơn giản và rẻ tiền nhất trong các phương án công nghệ xử lý nước thải ở dạng mini, người dân có thể tự làm được dưới sự hướng dẫn của nhóm chuyên gia. Mặt khác, nhưng thiết bị này có thể làm bánh xe để di chuyển cơ động khi thay đổi mặt bằng hoặc thay thế dễ dàng. Loại vật liệu để chế tạo các bể mini cơ động này có thể là thép CT3 theo nguyên tắc xếp chồng, hoặc có thể xây bể bằng gạch trong trường hợp diện tích mặt bằng lớn và hệ thống xử lý cố định. Đồng thời trong trường hợp muốn tiết kiệm chi phí để chế tạo có thể hợp khối các bể xử lý lại với nhau rất đơn giản mà lại đạt hiệu quả về mặt kinh tế.
Hiện nay, sáng kiến áp dụng hệ thống này cho việc xử lý nước thải làng nghề chế biến giấy đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt trong đề tài cấp Bộ mang tên "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước thải, bụi và khí thải cho các làng nghề chế biến gỗ, giấy" do Tiến sĩ Vũ Chí Cường làm chủ nhiệm và dự kiến sẽ áp dụng xử lý cho các cơ sở chế biến giấy tại làng nghề Đào Xá (Bắc Ninh).
III. Kết luận
Tại các làng nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, mặt bằng sản xuất chật chội và tổ chức sản xuất thiếu khoa học. Điều kiện và môi trường lao động rất đáng lo ngại, người lao động thường xuyên phải tiếp xúc với bụi, nhiệt và hóa chất, nguy cơ tai nạn lao động cao và thiếu phương tiện bảo vệ cá nhân. Môi trường sống đang có nguy cơ bị ô nhiễm do chất thải sản xuất không được xử lý mà thải trực tiếp vào môi trường xung quanh, gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Sức khỏe người lao động và dân cư đang bị đe dọa do ô nhiễm môi trường. Bệnh tật phổ biến tại các làng nghề là viêm phế quản - phổi, dị ứng ngoài da, đau mắt, đau lưng, đau cột sống, đau bụng hội chứng dạ dày, phụ khoa ... Việc đưa ra quy trình công nghệ xử lý nước thải làng nghề chế biến giấy với quy mô nhỏ sẽ góp phần giúp giảm thiểu ô nhiễm tại đây, cải thiện một cách đáng kể chất lượng cuộc sống của người lao động. Việc lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng một hệ thống mini như thế này không phải quá khó đối với mỗi người dân bình thường. Ngoài ra chi phí đầu tư cho mỗi hệ thống không hề đắt, rất phù hợp với túi tiền của người dân mà hiệu suất xử lý không hề thấp. Trong tương lai gần, nếu hệ thống này được áp dụng một cách rộng rãi tại các làng nghề chế biến giấy sẽ góp một phần không nhỏ vào việc cải thiện chất lượng môi trường nước tại các làng nghề truyền thống này.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2008, "Môi trường làng nghề Việt Nam", Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Đặng Kim Chi, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Lệ Minh, Làng nghề Việt Nam và Môi trường - NXB KHoa học và Kỹ thuật, 2005.
3. Trần Hồng Côn, Đồng Kim Loan, Công nghệ xử lý khí thải, NXB Khoa học kỹ thuật, 2009.
4. Vũ Thị Thanh Hương, Nghiên cứu các biện pháp cải thiện môi trường cho làng nghề tái chế giấy, Dự án hợp tác với Cộng hòa Séc và Canada, 2007...

Tác giả: TS. Vũ Chí Cường - KS. Trần Ngọc Hương. Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí "Tài nguyên nước"

Xử lý nước thải làng nghề chế biến lương thực bằng phương pháp lọc sinh học ngập nước

Các làng nghề thủ công truyền thống là nét đặt trưng của nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục và phát triển khá mạnh. Tuy nhiên sự phát triển của các làng nghề còn mang tính chất tự phát, tùy tiện, quy mô sản xuất nhỏ bé, trang thiết bị còn lạc hậu. Tất cả những mặt hạn chế trên không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của các làng nghề mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường làng nghề và sức khỏe cộng đồng.

Một trong các loại hình làng nghề phổ biến nhất ở nông thôn Việt Nam là làng nghề chế biến lương thực (làm bún, miến, bánh đa, chế biến tinh bột). Sự ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề này đang ở mức báo động, gây nhiều bức xúc cho xã hội. Các chỉ tiêu cơ bản của nước thải như COD. BOD, TSS... đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Nhằm góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề chế biến lương thực, chúng tôi tập trung nghiên cứu đề xuất các biện pháp công nghệ xử lý nước thải làng nghề chế biến lương thực. Trong công trình này chúng tôi tiến hành nghiên cứu xử lý nước thải làng nghề chế biến lương thực bằng phương pháp lọc sinh học ngập nước.

I. Thực nghiệm

1. Đối tượng nghiên cứu

  • Nước thải được lấy để nghiên cứu là nước thải làng nghề chế biến lương thực của xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (xã được công nhận là “Làng nghề chế biến nông sản” năm 2001, có 700 hộ trong tổng số 1.200 hộ dân tham gia sản xuất chế biến lương thực). Với các nghề chính là làm bún, phở khô, làm miến dong, sản xuất và tinh chế tinh bột sắn.
  • Đặc điểm của nước thải làng nghề chế biến lương thực là thường chứa các tạp chất hữu cơ ở dạng hòa tan hoặc lơ lửng, trong đó chủ yếu là các hợp chất hydrat cácbon như tinh bột, đường, các loại axit hữu cơ (lactic)... có khả năng phân hủy sinh học. Tỷ số BOD/COD trong khoảng từ 0,5 đến 0,7 nên chúng thích hợp với phương pháp xử lý sinh học [1, 2, 3, 4].
2. Thiết kế thí nghiệm

Sơ đồ hệ thống xử lý bằng phương pháp lọc sinh học ngập nước
alt

Nước thải của quá trình sản xuất bún, miến hoặc tinh chế tinh bột sắn được lắng gạn sơ bộ ở bể lắng (1) trước khi đưa vào bể chứa (2) sau đó nước thải được bơm vào cột lọc kị khí (3) theo chiều từ dưới lên với lưu lượng dòng được khống chế nhờ máy bơm (9) và ống chia dòng (8). Ở đây nước thải sẽ từ từ dâng lên ngập lớp vật liệu lọc (5) và tiếp xúc với lớp vật liệu lọc mang vi sinh vật kị khí, các tạp chất hữu cơ có trong nước thải sẽ bị phân hủy, phần bùn cặn được lắng xuống đáy cột và có thể lấy ra qua van (10) khi cần thiết; phần nước thải trong tiếp tục chảy tự nhiên qua cột lọc hiếu khí (6) từ phía dưới lên theo nguyên tắc bình thông nhau. Ở đây nước thải được trộn với dòng không khí thổi cùng chiều từ dưới lên bởi máy thổi khí (11) qua dàn phân phối khí (7). Khi đó quá trình phân hủy sinh học hiếu khí các tạp chất hữu cơ xảy ra, phần bùn được lắng xuống đáy cột; phần nước thải lại được lắng cặn một lần nữa nhờ máng lắng cặn (4) trước khi chảy ra khỏi cột hiếu khí.

Nước thải sau khi đi qua cả 2 cột lọc kị khí và hiếu khí sẽ được lấy ra nhờ van (13) để kiểm tra các chỉ tiêu cơ bản. Nếu chưa đạt các chỉ tiêu cho phép của nước thải công nghiệp theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5945 - 1995) thì lại cho chảy tuần hoàn trở lại qua 2 cột lọc kị khí và hiếu khí như trên cho đến khi đạt tiêu chuẩn cho phép về nước thải công nghiệp.

II. Kết quả và thảo luận

1. Kết quả xử lý nước thải của sản xuất bún

Nước thải của sản xuất bún ban đầu có các giá trị cơ bản như sau:
COD = 3076,3 mg/l; BOD5 = 2154,2 mg/l (tỷ lệ BOD5/COD  0,7)
[NH4+] = 29,89 mg/l; [NO2-] = 0,56 mg/l, pH = 4,91; độ đục = 243 NTU.
Sau khi trung hòa và pha loãng gấp đôi để có pH = 7.05 và thể tích là 58 lít; nước thải được xử lý qua hệ thống lọc sinh học kị khí và hiếu khí (như phần 2.2) với tốc độ 12 lít/h. Kết quả thu được như sau:

1.1 Sự thay đổi COD, độ đục theo thời gian xử lý
alt

1.2 Sự thay đổi pH, NH4+, NO2-, theo thời gian xử lý
alt

Kết quả thu được ta thấy: Đối với nước thải sản xuất bún có các chỉ tiêu ban đầu COD =1357,5 mg/l, [NH4+] = 15,42 mg/l, độ đục = 131 NTU ở pH = 7,05 được xử lý qua hệ thống lọc sinh học kị khí và hiếm khí sau thời gian 24 giờ, các chỉ tiêu cơ bản của nước thải sau xử lý đều đạt thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp cho phép chảy vào nguồn nước công cộng. Cụ thể sau 24 giờ xử lý: COD = 26,2 mg/l, [NH4+] = 0,36 mg/l, [NO2-] = 0,05 mg/l; độ đục = 2,70 NTU; pH = 8,07.

2. Kết quả xử lý nước thải sản xuất miến dong

Nước thải sản xuất miến ban đầu có các giá trị cơ bản sau:
COD = 840 mg/l, BOD5 = 580 mg/l (tỷ số BOD5/COD = 0,69);
[NH4+] = 13,51 mg/l; [NO2-] = 0,35 mg/l, độ đục = 99,5 NTU, pH = 4,01.
Sau khi trung hòa và pha loãng gấp đôi để có thể tích 58 lít và pH = 8,05; nước thải được xử lý qua hệ thống lọc sinh học kị khí và hiếu khí (như phần 2.2) với tốc độ 12lít/h. Kết quả thu được như sau:

2.1 Sự thay đổi COD, độ đục theo thời gian xử lý
alt

2.2 Sự thay đổi pH, NH4+, NO2- theo thời gian xử lý
alt

Kết quả thu được ta thấy: Đối với nước thải sản xuất miến có các chỉ tiêu ban đầu: COD = 438,8 mg/l, [NH4+] = 6,75 mg/l; [NO2-] = 0,19 mg/l, độ đục = 45.2 NTU, pH = 8,05 được xử lý qua hệ thống lọc sinh học kị khí và hiếu khí sau thời gian 10 giờ các chỉ tiêu cơ bản của nước thải sau xử lý đều đạt các tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp (TCVN 5945 - 1995). Cụ thể là: COD = 97,3 mg/l, [NH4+] = 1,87 mg/l; [NO2-] = 0,11 mg/l, độ đục = 9,71 NTU, pH = 8,23.

III. Kết luận
  • Nước thải làng nghề chế biến lương thực (sản xuất bún, miến hoặc tinh chế tinh bột) thường chứa các tạp chất có khả năng bị phân hủy sinh học (tỷ lệ BOD5/COD từ 0,6 đến 0,7) nên có thể được xử lý tốt bằng các phương pháp xử lý sinh học.
  • Bằng phương pháp lọc sinh học kị khí và hiếu khí có thể xử lý các loại nước thải của làng nghề chế biến lương thực đạt tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp và được phép chảy vào dòng chảy chung (TCVN 5945 - 1995) trong khoảng thời gian tương đối ngắn: khoảng một ngày đêm (24h).
Công trình này được thực hiện trên cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học QMT06.03 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
Theo www.hrpc.com.vn 

Đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới


Hiện nay, nhiều dự án khoa học kỹ thuật, ứng dụng đổi mới công nghệ như nghiên cứu cải tiến và sản xuất thử nghiệm máy gặt đập liên hợp; nghiên cứu sản xuất máy phân ly lúa giống; nghiên cứu sản xuất máy ép gạch cải tiến, ứng dụng công nghệ lò nung gạch Hoffiman trong chuyển đổi lò gạch nung gạch thủ công; ứng dụng hệ thống năng lượng mặt trời để tạo nước nóng sinh hoạt cho bệnh viện…đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, chế biến và đời sống dân sinh, xóa đói giảm nghèo trong vùng xây dựng nông thôn mới của tỉnh An Giang.

Các dự án ứng dụng chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản như xây dựng mô hình áp dụng kỹ thuật "1 phải 5 giảm" trong sản xuất lúa, chuyển giao quy trình nhân nuôi nấm xanh tại quy mô nông hộ; phát triển mô hình trồng cây có hoa trên bờ ruộng lúa để thu hút thiên địch, phòng trừ sâu, rầy hại lúa; sản xuất rau an toàn.Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện các đề tài: Thử nghiệm xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá linh ống trong ao đất, nuôi tôm thương phẩm trong ao đất. Phát triển mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo, mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt bằng thức ăn công nghiệp và tự chế, mô hình chăn nuôi heo an toàn, xây dựng mô hình sản xuất và tập huấn sử dụng giống nấm men thuần trong sản xuất rượu gạo, nếp.

Nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần giúp cho các địa phương và nông dân ứng dụng để xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực như dự án phục tráng các giống lúa đặc sản có phẩm chất cao. Xây dựng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn gạo sạch bằng phương pháp hữu cơ sinh học tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nhiều giống lúa chống chịu sâu rầy, giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, các giống lúa thơm Jasmine 85 Châu Phú, phục tráng giống nếp Phú Tân có chất lượng tốt được ứng dụng, góp phần tăng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm và gia tăng lợi nhuận cho nông dân, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các công nghệ sinh học được ứng dụng đa dạng, nhiều ngành nghề như khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa- Tân Châu, nghiên cứu trích ly enzym bromelin từ vỏ khóm và ứng dụng vào công nghệ chế biến mắm cá ngắn ngày, chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm các loại cá linh, cá lăng, cá chạch lấu, cá leo, cá bống tượng, cá heo. Ngoài ra, các dự án trạm cung cấp thông tin tại 11 xã xây dựng nông thôn mới cũng đang góp phần thúc đẩy các xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở địa phương.

Có thể nói, chính sách đưa các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đã mang lại hiệu quả tích cực. Những hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống phù hợp với nhu cầu thực tế ở địa phương đã góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm trên địa bàn tỉnh./.
(Theo TTXVN)

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Khóa tập huấn tại Sơn La – Giải pháp năng lượng mới cho DN chế biến


Sơn La là tỉnh có số giờ nắng cao nhất ở các tỉnh miền núi phía Tây Bắc – vùng nhiều tiềm năng về năng lượng mặt trời thứ hai ở Việt Nam. Cùng với đó là lượng sinh khối từ lõi ngô hàng năm lên đến 100.000 tấn. Đó là những nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo to lớn và quý giá có thể được tận dụng cho nhu cầu chế biến nông nghiệp như sấy sắn, ngô, long nhãn,… hoặc dùng cho các doanh nghiệp chè ở địa phương. Trong chuyến tập huấn từ ngày 8 đến 10 tháng 8 năm 2012, nhóm cán bộ của dự án SPIN thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đã giới thiệu đến Sở Khoa học Công nghệ Sơn La và một số doanh nghiệp tại địa phương giải pháp công nghệ và tài chính để nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận.
Công nghệ được giới thiệu là công nghệ sấy sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với sử dụng bếp khí hóa nhiên liệu sinh khối giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải khí nhà kính.
Giải pháp tài chính được giới thiệu là hỗ trợ của Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thông qua hai hình thức bảo lãnh (50% vốn vay tín dụng tại ngân hàng) và trả thưởng (tới 25% vốn vay tín dụng).
Các công ty tham gia khóa tập huấn:

1. Cty CP Chè Cờ đỏ,
2. Cty CP Chè Chiềng ve,
3. TCT Chè Việt Nam chi nhánh Mộc Châu,
4. Công ty mía đường Mộc Châu
5. Công ty rượu Việt Pháp
6. Các phòng của Sở khoa học công nghệ Sơn La

Chuyên gia của VNCPC giới thiệu về Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tới các đại biểu


Chuyên gia của VNCPC đang trình diễn công nghệ bếp khí hóa


Chuyên gia của VNCPC khảo sát tại doanh nghiệp

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Xác định việc tác động môi trường của dự án được thực hiện như thế nào?


Để xác định việc giảm tác động môi trường, VNCPC sẽ tiến hành đánh giá môi trường sơ bộ theo thủ tục ISO 14001 để xác định các khía cạnh môi trường quan trọng của Công ty. Những giới hạn của hệ thống hoạt động môi trường của Công ty cần phải được định rõ trong khuôn khổ dự án và VNCPC phải kiểm chứng xem dự án có góp phần để cải thiện ít nhất một trong số các khía cạnh môi trường quan trọng của toàn Công ty không. Mục đích là hỗ trợ các dự án đầu tư nhằm cải thiện tác động môi trường chung của Công ty.

VNCPC sẽ đưa ra các chỉ số môi trường chính của dự án (xem danh mục ở dưới) và xác định chỉ số môi trường nào có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dự án. Trong những trường hợp như vậy thì cần thiết phải kiểm tra cả các chỉ số chủ yếu lẫn các chỉ số bổ sung, cũng như đưa ra được phương pháp luận để so sánh và đánh giá cân bằng giữa các tác động tiêu cực và tích cực đối với môi trường.

Khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng và làm các thủ tục vay vốn với Ngân hàng thì trước khi bắt đầu tiến hành thực hiện dự án, VNCPC sẽ tiến hành đo đạc các chỉ số lựa chọn để làm cơ sở cho tính toán mức giảm tác động môi trường. Để làm được việc này, Trung tâm có thể sử dụng dịch vụ từ các bên thứ ba là các Trường Đại học, các phòng thí nghiệm môi trường của các cơ quan chức năng, v.v…

Khi tiến hành xong việc đo đạc các chỉ số môi trường trước khi thực hiện dự án (đo đạc tiền kỳ), Công ty sẽ bắt đầu tiến hành thực hiện dự án.Trong khoảng từ 3 đến 6 tháng sau khi dự án hoàn thành và đi vào vận thành thử (phải đảm bảo kết quả hoạt động có tính ổn định), VNCPC tiến hành đo đạc lại các chỉ số môi trường đã lựa chọn (đo đạc hậu kỳ).

So sánh các chỉ số chính trong đo đạc tiền kỳ và hậu kỳ cùng với việc phân tích của các ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số khác GCTF sẽ xác định mức phần trăm mà doanh nghiệp được thưởng.

Lưu ý: Cả việc đánh giá chi tiết tác động môi trường lẫn đo đạc các chỉ số của dự án là trách nhiệm độc lập của VNCPC. Các chi phí liên quan đến các hoạt động này có thể được bao gồm trong giá trị của khoản tín dụng vay.

Các chỉ số môi trường
Các chỉ số sẽ được đo để đánh giá tác động môi trường được chia thành nhóm có tầm ảnh hưởng toàn cầu và nhóm có tầm ảnh hưởng cục bộ:
Các chỉ số môi trường toàn cầu 1. Phát thải GHG: là các loại khí nhà kính được liệt kê trong Nghị định thư Kyoto, tính quy đổi ra CO2 tương đương.
2. Phát thải ODS: là các chất làm suy giảm tầng ozon, được liệt kê trong Nghị định thư Montreal.
3. Phát thải POPs: là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, được liệt kê trong Công ước Stockholm.
Các chỉ số môi trường cục bộ 4. Các chỉ số ô nhiễm không khí: PM (các phát thải dạng hạt trong không khí), SO2 (Sulfur Bioxide) and VOCs (hợp chất hữu cơ bay hơi) – là những vấn đề ô nhiễm không khí quan trọng nhất tại khu vực đô thị, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
5. Các chỉ số ô nhiễm nước: BOD (nhu cầu oxi sinh học), COD (nhu cầu oxi hóa học), TOC (tổng cacbon hữu cơ).
6. Sử dụng nước sạch.
7. Sử dụng năng lượng: Sử dụng năng lượng không nhất thiết phải được phản ảnh qua việc giảm GHG hoặc ô nhiễm môi trường cục bộ trong các trường hợp thay đổi nhiên liệu.

Quy trình thủ tục xét duyệt và triển khai dự án


Quy trình thủ tục xét duyệt và triển khai dự án được thực hiện theo các bước như sơ đồ dưới đây:

(1): Doanh nghiệp có dự án mong muốn tham gia Quỹ điền vào mẫu đăng ký Download tại: http://gctf.vn/tai-ve/ nhằm xác định tổng số tiền đầu tư, tác động môi trường dự kiến giảm được, công nghệ sử dụng và dòng tiền dự án.
Doanh nghiệp gửi bản đăng ký về Ngân hàng mà DN lựa chọn.

(2): Ngân hàng thẩm định Dự án theo khía cạnh tài chính (nợ xấu, danh mục đầu tư được ưu tiên…) và đưa ra báo cáo thẩm định về khả năng chấp nhận của dự án và chuyển hồ sơ cho VNCPC. Tuy nhiên, ở bước này, ngân hàng chưa cam kết chấp nhận cho vay vốn

(3): Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, VNCPC tiến hành thẩm định tính khả thi của dự án

(4): Sau khi nhận được báo cáo thẩm định sơ bộ đánh giá tích cực từ cả NH và VNCPC, VNCPC đi vào đánh giá thẩm định chi tiết: xem xét lại tất cả các khía cạnh môi trường liên quan theo quy trình ISO 14001, đánh giá công nghệ được lựa chọn, các tác động môi trường chủ chốt, đánh giá tính kinh tế của dự án. Kết quả của đánh giá này có thể là tiêu cực ngay cả khi đánh giá sơ bộ cho kết quả tích cực.
Với những dự án có mức tín dụng dự kiến lên tới trên 100.000 USD, hồ sơ và kết quả thẩm định dự án được gửi cho Trung tâm tham vấn Thụy Sĩ để đánh giá chi tiết hơn.

(5): Đánh giá tín dụng của Ngân hàng: phân tích mức tín dụng, lãi suất, thiết lập mức bảo lãnh, cơ chế giải ngân và ký kết Hợp đồng vay vốn.

(6): Dự án được giải ngân để đi vào hoạt động

(7): Sau khi dự án kết thúc, VNCPC tiến hành đánh giá để đảm bảo khoản tín dụng được sử dụng đúng mục đích
Trong vòng từ 3 đến 6 tháng kể từ khi dự án kết thúc phần lắp đặt và vận hành thử, VNCPC tiến hành đo đạc lại các thông số môi trường. Giai đoạn này phải được thực hiện trong điều kiện vận hành ổn định để đảm bảo kết quả là có tính đại diện. Với các thông số môi trường đo đạc được trước và sau khi thực hiện dự án, VNCPC xác định và thông báo tới SECO mức trả thưởng DN được hưởng

(8): GCTF sẽ chuyển khoản trả thưởng về Ngân hàng cung cấp tín dụng và vì thế giảm bớt tổng giá trị khoản tín dụng DN phải trả cho NH sau này.

Các điều kiện vay tín dụng thỏa thuận giữa DN và NH còn lại vẫn tiến hành bình thường cho tới khi hết thời hạn.

Thời gian và mức phí: Thời gian xem xét trung bình cho 1 dự án: 75 ngày; thời gian triển khai dự án đầu tư từ 3-6 tháng với phí thẩm định của cơ quan điều phối là 2-3% tổng giá trị tín dụng, trong đó Quỹ GCTF sẽ hỗ trợ một nửa.

Danh mục chi phí được hỗ trợ: Chi phí phần cứng (bao gồm cả phần lắp đặt) đối với các thiết bị có liên quan đến tác động môi trường đang xem xét; Vốn hoạt động cộng thêm để triển khai đầu tư; Thuê tư vấn bên ngoài cần thiết đối với dự án đầu tư; Phí tín dụng của tổ chức tài chính; Các khoản thuế và phí trả cho việc nhập khẩu và triển khai đầu tư (trừ VAT)

Danh mục chi phí KHÔNG được hỗ trợ: Nhân lực và các chi phí nội bộ khác của DN để phát triển hoặc triển khai dự án; Các chi phí liên quan đến đất hoặc sử dụng đất; Các chi phí liên quan đến xây dựng hoặc tái xây dựng hoặc tháo dỡ nhà xưởng ngoại trừ có mối quan hệ mật thiết và rõ ràng với yêu cầu của thiết bị mới; Các chi phí liên quan đến bảo dưỡng và vận hành; Các chi phí cho phương tiện chuyên chở các loại.

Tiêu chí doanh nghiệp và các dự án nằm trong phạm vi hỗ trợ của Quỹ GCTF


Để có thể được xét duyệt hỗ trợ vay vốn, các DN và dự án cần đạt được các tiêu chí sau:

(1)   Quy mô DN: vốn điều lệ < 5 triệu USD, số nhân viên < 1000
Quỹ GCTF chú trọng hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, ngoài ra các công ty lớn đáp ứng được các tiêu chí sau đây thì cũng được xem xét hỗ trợ: Dẫn đầu trong một lĩnh vực và có nhiều DN tương tự với quy mô nhỏ hơn đang hoạt động cùng lĩnh vực hoặc công nghệ dự định đầu tư là các công nghệ tiên tiến và có khả năng nhân rộng cho các DN vừa và nhỏ khác

(2)   Hình thức sở hữu: ít nhất 51% sở hữu trong nước.Doanh nghiệp phải độc lập với các công ty Quốc tế và không phải là một phần của công ty đa quốc gia

(3)   Tình trạng doanh nghiệp: đã được thành lập và đang hoạt động

(4)   Ngành nghề: Sản xuất công nghiệp; Dịch vụ và thương mại: nhà hàng/dịch vụ ăn uống; khách sạn/trung tâm hội nghị; trung tâm thương mại; khu vui chơi – giải trí; tòa nhà văn phòng; cơ sở giặt là/nhuộm

(5)   Mục tiêu dự án: thay đỏi phương thức sản xuất. Tác động môi trường được đánh giá phải nằm trong khuôn viên của DN

(6)   Tình trạng của quá trình đầu tư: đầu tư mới

(7)   Tình trạng thiết bị được đầu tư: thiết bị mới hoặc second hand, mang lại hiệu quả về môi trường.

(8)   Loại hình đầu tư: Thay thế dây chuyền hoặc thiết bị: so sánh tác động môi trường trước và sau khi đầu tư hoặc với loại hình đầu tư dây chuyền mới: tác động môi trường phải tốt hơn trường hợp “đầu tư thiết bị thông thường”

(9)   Quy mô tín dụng: từ 10.000 USD đến 1.000.000.000USD ngân hàng có thể chấp thuận khoản tín dụng lớn hơn những Quỹ chỉ thực hiện bảo lãnh 50% cho mức tín dụng tối đa 1 triệu USD

(10)           Tuân thủ pháp luật: Quỹ không tài trợ cho các khoản đầu tư với mục đích trực tiếp là tuân thủ luật môi trường.Có thể có ngoại lệ khi không có sự bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn pháp luật

(11)           Tác động môi trường: giảm ít nhất 30% một số chỉ số tác động môi trường được lựa chọn đo đạc trước và sau khi đầu tư
Chỉ số môi trường toàn cầu
  1. Các loại khí nhà kính
  2. Các loại khí gây suy giảm tầng ozon
  3. Các loại chất độc khó phân hủy (POPs)
Chỉ số môi trường địa phương
  1. Bụi lơ lửng PM10
  2. BOD, COD hoặc TOC
  3. Sử dụng nước sạch
  4. AOX (hợp chất hologen hữu cơ dễ bị hấp thụ)
  5. Kim loại nặng trong nước thải
  6. Hợp chất hữu cơ bay hơi

(12)        Doanh nghiệp bền vững: tuân thủ các tiêu chí môi trường tổng thể và trách nhiệm xã hội cơ bản

(13)        Đa dạng hóa: tổng tín dụng tối đa là 3 triệu USD cho các trường hợp tương tự nhau: tương tự về mặt công nghệ, không phải chỉ về ngành; phân bổ đầu tư tốt và tạo tác dộng rộng lớn hơn

(14)        Yêu cầu của cùng một khách hàng đăng ký nhiều hơn 1 dự án: tổng trả thưởng không quá 200.000 USD và tổng bảo lãnh từ GCTF không quá 500.000 USD tại thời điểm bất kỳ.

(15)        Giảm khí nhà kính: giảm xuống còn tối đa 6.000 tấn CO­2tương đương /năm. Nếu vượt quá, DN nên thực hiện dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM).  Với trường hợp ngoại lệ, DN phải chứng minh tại sao không khả thi với CDM

(16)        Khả năng sinh lợi của đầu tư: Dự án được đầu tư phải có hiệu quả sinh thái với thời gian hoàn vốn nên nằm trong khoảng 4-7 năm bao gồm cả phần trả thưởng. Với trường hợp ngoại lệ: Công nghệ xử lý cuối đường ống kết hợp với công nghệ thân thiện với sinh thái cũng được chấp nhận
Bên cạnh đó các DN phải đạt được các tiêu chí cho vay của ngân hàng và dự án đầu tư phải được thẩm định và có sự thông qua của VNCPC về các tiêu chí kỹ thuật

Vai trò của các bên trong vận hành Quỹ GCTF


Các cơ quan tài chính (ACB, Techcombank, VIB) có vai trò đánh giá khách hàng về hiện trạng tài chính: tình hình sản xuất kinh doanh, nợ xấu… để bước đầu quyết định khách hàng có đủ điều kiện vay vốn hay không, sau đó sẽ đàm phán với các doanh nghiệp về mức vốn, lãi suất, loại tiền, thời gian vay và các điều kiện về giải ngân.
Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) có vai trò thẩm định dự án xin hỗ trợ của Quỹ về mặt kỹ thuật để xác định tính khả thi của dự án; làm trung tâm điều phối trao đổi thông tin về các khách hàng cho các ngân hàng, SECO và Ban quản lý Quỹ; tư vấn cho các NH về các vấn đề tác động môi trường, tài chính của công nghệ sản xuất sạch hơn và kiểm tra, đánh giá tác động của việc đầu tư để xác định mức trả thưởng
Trung tâm tham vấn tại Thụy Sĩ  (CSD) có vai trò tư vấn cho VNCPC về các vấn đề kỹ thuật chuyên sâu các dự án có giá trị tín dụng > 100.000USD
Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) là nguồn cấp ngân sách cho Quỹ GCTF hoạt động, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng của Quỹ thông qua việc yêu cầu Royal Bank of Canada phát hành Thư tín dụng dự phòng cho các Ngân hàng Thương mại và phát hành thư cam kết trả thưởng cho DN.

Nguồn: http://gctf.vn/vai-tro-cua-cac-ben-trong-van-hanh-quy-gctf/

Cơ cấu vận hành Quỹ GCTF


Quỹ GCTF được vận hành với sự tham gia của các cơ quan tài chính, Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam, Trung tâm tham vấn tại Thụy Sỹ và Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ

Cơ quan tài chính: SECO đã tiến hành khảo sát và chọn làm các đối tác tài chính – là các NHTM đang hoạt động tại VN – sau đây vào Quỹ với chức năng thực hiện việc thẩm định chuyên môn và cung cấp vốn vay tới các Dự án đầu tư của DN:
Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB: www.acb.com.vn
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank: www.techcombank.com.vn
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – VIB: www.vib.com.vn

Cơ quan tư vấn kỹ thuật

 Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam – VNCPC: www.vncpc.vn
Đơn vị tiền thân của Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC)- là Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam – được thành lập vào tháng 4 năm 1998 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. VNCPC được coi là cơ quan hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn (SXSH). Mục đích các hoạt động của VNCPC là đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua việc thúc đẩy thực hiện và quảng bá các quá trình sản xuất công nghiệp có hiệu quả về mặt sinh thái. Các nhóm đối tượng quan tâm của VNCPC bao gồm các đơn vị sản xuất công nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ. VNCPC cũng đã được xây dựng và duy trì hệ thống quản l‎ý cấp các chứng chỉ ISO 9001 và ISO 14001 từ tháng 2 năm 2002VNCPC hiện có 16 nhân viên có trình độ và kỹ năng phù hơp để thực hiện các dịch vụ: Tư vấn và đào tạo về SXSH, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả; Đánh giá, tư vấn và chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường; Tư vấn và đào tạo CSR, OHS, EMS, Đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững, Bảo dưỡng Công nghiệp, CDM; Đánh giá, tư vấn và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải; Tư vấn tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi cho các dự án đổi mới công nghệ;

Trong những năm qua, VNCPC đã thực hiện nhiều hội thảo, hội nghị nhằm quảng bá SXSH cho các tỉnh thành trên cả nước. Đến nay đã có 100 chuyên gia tư vấn SXSH được VNCPC đào tạo và cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, 20 trường đại học công lập và dân lập đã lồng ghép SXSH vào các chương trình giảng dạy của mình. Ngoài ra VNCPC cũng đã tham gia dự thảo chính sách cho Chiến lược môi trường Quốc gia giai đoạn 2000-2010, Chương trình hành động Quốc gia về Sản xuất sạch hơn giai đoạn 2000-2005 và gần đây nhất là đóng góp ‎ý kiến cho Chiến lược SXSH trong Công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/9/2009. VNCPC cũng đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành công Hội nghị bàn tròn Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 7 về Sản xuất và Tiêu thụ Bền vững tại Hà Nội vào tháng 4 năm 2007.
Trong giai đoạn 2005 – 2009, VNCPC đã triển khai trên 200 đánh giá SXSH và các vấn đề cải tiến khác có liên quan trong các ngành khác nhau như dệt nhuộm, giấy và bột giấy, hoàn tất kim loại, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm và đồ uống và thủy sản, tinh bột sắn, hóa chất, cao su, sản phẩm gỗ, đóng tàu, … Cho tới nay các doanh nghiệp tham gia chương trình đánh giá SXSH của VNCPC đã đầu tư khoảng 3,4 triệu USD để thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn và thu được lợi ích kinh tế là cắt giảm chi phí sản xuất hàng năm khoảng 3,3 triệu USD (nghĩa là thời gian hoàn vốn trung bình của đầu tư cho các giải pháp SXSH khoảng 1 năm) thông qua giảm tiêu thụ đầu vào cho sản xuất hàng năm trêng 1 triệu m3 nước tiêu thụ, 700 tấn hoá chất và khoảng 12 triệu kWh điện.

Trung tâm tham vấn Thụy Sĩ: Tư vấn kỹ thuật cho VNCPC đối với các dự án có mức vay vốn lớn.

Cơ quan thiết kế và tài trợ của Quỹ

Cục kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO): www.seco-cooperation.ch chịu trách nhiệm các vấn đề về kinh tế và thương mại trong nước cũng như các nhiệm vụ kinh tế quốc tế của Thụy Sĩ. Một trong những nhiệm vụ đó là xác định sự phát triển các hợp tác trong vấn đề kinh tế và thương mại có ưu tiên với một số nước được lựa chọn. Một số các hợp tác đã triển khai thành công đó là thành lập và hỗ trợ các Trung tâm Sản xuất sạch hơn ở những nước này trong đó có Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam.

Nguồn: www.http://gctf.vn/co-cau-van-hanh-quy-gctf/ 

Mục tiêu và đặc điểm Quỹ GCTF


Mục tiêu của Quỹ là thúc đẩy đầu tư trung và dài hạn cho công nghệ sạch hơn nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp và dịch vụ Việt Nam đồng thời tạo sự hấp dẫn đối với đầu tư vào công nghệ sạch hơn.
Ví dụ:
1 DN muốn đầu tư thiết bị trị giá 100.000 USD với lợi ích hàng năm 20.000 USD
Nếu đầu tư thông thường
Thời gian hoàn vốn: 5 năm
Vay vốn thông qua GCTF với mức hỗ trợ tối đa 25%
Giá trị đầu tư còn lại: 75.000 USD
Thời gian hoàn vốn: 3,75 USD

Đặc điểm của GCTF
(1)   Nguồn ngân sách của GCTF do SECO cung cấp (5 triệu USD) chỉ bao gồm 2 mục tiêu: hỗ trợ thế chấp thông qua bảo lãnh (2 triệu USD) và trả thưởng cho dự án hoàn thành (3 triệu USD)
(2)   Các bên tham gia:
Thẩm định tài chính và cung cấp tín dụng: ACB, VIB, Techcombank
Thẩm định kỹ thuật và môi trường: VNCPC, CSD
Quản lý nguồn quỹ: SECO ủy thác qua RBC
(3)   Hỗ trợ tài chính cho các dự án công nghệ sạch hơn:
Cái thiện môi trường > 30%: trả thưởng 15%
Cải thiện môi trường > 50%: trả thưởng 25%
Không có khoảng giữa và mức trả thưởng tối đa là 200.000 USD
(4)   Thời gian dự án: 2-5 năm
(5)   Không can thiệp tới chính sách lãi suất cho vay của các Ngân hàng

Nguồn: http://gctf.vn/muc-tieu-va-dac-diem-quy-gctf/

Giới thiệu chung về Quỹ tín dụng xanh


Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) dành cho các nước đang phát triển, nhằm thúc đẩy đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Mô hình này đã được SECO triển khai trước đó ở Colombia và Peru (thuộc nhóm quốc gia mục tiêu của chương trình hỗ trợ mà SECO dành cho các nước đang phát triển). Từ kinh nghiệm triển khai tại hai quốc gia này và qua khảo sát đặc điểm, hiện trạng hoạt động của ngành ngân hàng cũng như các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cuối năm 2007, SECO đã chính thức cho ra mắt Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Việt Nam thông qua sự điều phối của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam(VNCPC)
Theo đó, GCTF giúp các DN tiếp cận các nguồn tài chính khi không đủ khả năng ký quỹ để vay vốn thông qua việc bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ một phần vốn đầu tư để DN lắp đặt vận hành công nghệ sạch hơn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
GCTF được vận hành với sự tham gia của các ngân hàng thương mại: ACB, VIB, Techcombank; Trung tâm sản xuất sạch hơn VN (VNCPC), Trung tâm tham vấn tại Thụy Sỹ và Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ.

Nguồn: http://gctf.vn/gioi-thieu-chung-ve-quy-tin-dung-xanh/ 

Giới thiệu về Sản xuất sạch hơn


Kể từ khi khái niệm “Sản xuất sạch hơn” (UNEP) lần đầu tiên được giới thiệu vào nước ta năm 1995, đến nay khái niệm này đã được nhiều người biết đến hơn. Việc hiểu và nắm rõ phương pháp luận này là yếu tố then chốt đảm bảo cho công tác triển khai thực hiện SXSH tại địa phương hay tại doanh nghiệp. Yêu cầu quảng bá rộng rãi  khái niệm hay phương pháp luận này cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong Công nghiệp đến năm 2020.
Dưới đây xin trình bày tổng quan về phương pháp luận này.
Sản xuất sạch hơn là gì?
UNEP định nghĩa sản xuất sạch hơn là. việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.
Đối với quá trình sản xuất: sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.
Đối với sản phẩm: sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.
Đối với dịch vụ:sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ
Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa là thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm. Để đạt được điều này cần phải phân tích một cách chi tiết và hệ thống trình tự vận hành cũng như thiết bị sản xuất hay yêu cầu một Đánh giá về sản xuất sạch hơn.
Các khái niệm tương tự với sản xuất sạch hơn là:
•           Giảm thiểu chất thải;
•           Phòng ngừa ô nhiễm; và
•           Năng suất xanh.
Về cơ bản, các khái niệm này đều giống với sản xuất sạch hơn; đều cùng có ý tưởng cơ sở là làm cho các doanh nghiệp hiệu quả hơn và ít ô nhiễm hơn.
Sản xuất sạch hơn và kiểm soát ô nhiễm
Sản xuất sạch hơn không giống như xử lý cuối đường ống, ví dụ như xử lý khí thải, nước thải hay bã thải rắn. Các hệ thống xử lý cuối đường ống làm giảm tải lượng ô nhiễm nhưng không tái sử dụng được phần nguyên vật liệu đã mất đi. Do đó, xử lý cuối đường ống luôn luôn làm tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, sản xuất sạch hơn mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm. Sản xuất sạch hơn đồng nghĩa với giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm. Sản xuất sạch hơn cũng là một bước hữu ích cho hệ thống quản lý môi trường như ISO14000.

Các giải pháp về sản xuất sạch hơn
Các giải pháp sản xuất sạch hơn không chỉ đơn thuần là thay đổi thiết bị, mà còn là các thay đổi trong vận hành và quản lý của một doanh nghiệp. Các giải pháp sản xuất sạch hơn có thể được chia thành các nhóm sau:
•           Giảm chất thải tại nguồn;
•           Tuần hoàn
•           Cải tiến sản phẩm.
Giảm chất thải tại nguồn
Về cơ bản, ý tưởng của sản xuất sạch hơn là tìm hiểu tận gốc của ô nhiễm.
Quản lý nội vi là một loại giải pháp đơn giản nhất của sản xuất sạch hơn. Quản lý nội vi không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể dược thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp. Các ví dụ của quản lý nội vi có thể là khắc phục các điểm rò rỉ, đóng van nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng dể tránh tổn thất. Mặc dù quản lý nội vi là đơn giản nhưng vẫn cần có sự quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc đào tạo nhân viên.
Kiểm soát quá trình tốt hơn để đảm bảo các điều kiện sản xuất được tối ưu hoá về mặt tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất và phát sinh chất thải. Các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian, áp suất, pH, tốc độ… cần được giám sát và duy trì càng gần với điều kiện tối ưu càng tốt. Cũng như với quản lý nội vi, việc kiểm soát quá trình tốt hơn đòi hỏi các quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc giám sát ngày một hoàn chỉnh hơn.
Thay đổi nguyên liệu là việc thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Thay đổi nguyên liệu còn có thể là việc mua nguyên liệu có chất lượng tốt hơn để đạt được hiệu suất sử dụng cao hơn. Thông thường lượng nguyên liệu sử dụng, chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm có mối quan hệ trực tiếp với nhau.
Cải tiến thiết bị là việc thay đổi thiết bị đã có để nguyên liệu tổn thất ít hơn. Việc cải tiến thiết bị có thể là điều chỉnh tốc độ máy, là tối ưu kích thước kho chứa, là việc bảo ôn bề mặt nóng/lạnh, hoặc thiết kế cải thiện các bộ phận cần thiết trong thiết bị. Một ví dụ của mạ điện là lắp đặt cẩu vớt để thu hồi phần rơi vãi từ các chi tiết được mạ.
Công nghệ sản xuất mới là việc lắp đặt các thiết bị hiện dại và có hiệu quả hơn, ví dụ như lắp đặt nồi hơi hiệu suất cao hơn hay lắp đặt máy nhuộm Jet sử dụng dung tỷ thấp hơn. Giải pháp này yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn các giải pháp sản xuất sạch khác, do đó cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm và cải thiện chất lượng có thể cao hơn so với các giải pháp khác.

Tuần hoàn
Có thể tuần hoàn các loại dòng thải không thể tránh được trong khu vực sản xuất hoặc bán ra như một loại sản phẩm phụ.
Tận thu và tái sử dụng tại chỗ là việc thu thập “chất thải” và sử dụng lại cho quá trình sản xuất. Một ví dụ đơn giản của giải pháp này là sử dụng lại nước giặt từ một quá trình cho quá trình giặt khác.
Tạo ra các sản phẩm phụ là việc thu thập (và xử lý) “các dòng thải” dể có thể trở thành một sản phẩm mới hoặc bán ra cho các cơ sở sản xuất khác. Lượng men bia dư thừa có thể được sử dụng làm thức ăn cho lợn, cho cá hay làm các chất độn thực phẩm.

Thay đổi sản phẩm
Cải thiện chất lượng sản phẩm để làm giảm ô nhiễm cũng là một ý tưởng cơ bản của sản xuất sạch hơn.
Đổi mới sản phẩm là việc xem xét lại sản phẩm và các yêu cầu đối với sản phẩm đó. Nếu có thể thay một cái nắp dậy kim loại đã được sơn bằng một cái nắp dậy bằng nhựa cho một số sản phẩm nhất định thì dã tránh được các vấn dề về môi trường cũng như các chi phí để sơn hoàn thiện nắp dậy dó. Cải thiện thiết kế sản phẩm có thể đem lại tiết kiệm về tiêu thụ nguyên liệu và lượng hoá chất độc hại sử dụng.

Cải tiến bao gói có thể là quan trọng. Vấn đề cơ bản là giảm thiểu bao bì sử dụng, đồng thời bảo vệ được sản phẩm. Một ví dụ trong nhóm giải pháp này là sử dụng bìa cac-tông cũ thay cho các loại xốp để bảo vệ các vật dễ vỡ.
Lợi ích của Sản xuất sạch hơn
Sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng, nước nhiều hay ít. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có tiềm năng giảm lượng nguyên nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%!
Tại sao vậy ? Các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn là doanh nghiệp đã giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn.
Giảm nguyên liệu và năng lượng sử dụng:Do giá thành ngày một tăng của các nguyên liệu sử dụng cũng như hiện trạng ngày càng khan hiếm nước, không một doanh nghiệp nào có thể chấp nhận việc thải bỏ các tài nguyên này dưới dạng chất thải. Nước và năng lượng là đặc biệt quan trọng, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng với khối lượng lớn.
Tiếp cận tài chính dễ dàng hơn: Các cơ quan tài chính ngày một nhận thức rõ sự nghiêm trọng của việc huỷ hoại môi trường và hiện đang nghiên cứu các dự thảo dự án mở rộng hoặc hiện đại hoá mà trong đó các khoản vay đều được nhìn nhận từ góc độ môi trường. Các kế hoạch hành động về sản xuất sạch hơn sẽ đem lại hình ảnh môi trường có lợi về doanh nghiệp của bạn tới các nhà cho vay, do đó sẽ tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn hỗ trợ tài chính.
Các cơ hội thị trường mới và được cải thiện: Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, khi bạn đã có những nỗ lực nhận thức về sản xuất sạch hơn, bạn sẽ có thể mở ra đựoc nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn.
Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, ví dụ như ISO14001, hoặc các yêu cầu của thị trường như nhãn sinh thái.
Thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn sẽ giúp cho việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường như ISO 14001 dễ dàng hơn.

Tạo nên hình ảnh công ty tốt hơn: Sản xuất sạch hơn phản ánh và cải thiện hình ảnh chung về doanh nghiệp của bạn. Không cần phải nhắc lại, một công ty với hình ảnh “xanh” sẽ được cả xã hội và các cơ quan hữu quan chấp nhận dễ dàng hơn.
Môi trường làm việc tốt hơn: Việc nhận thức ra tầm quan trọng của một môi trường làm việc sạch và an toàn đang ngày một gia tăng trong số các công nhân. Bằng cách đảm bảo các điều kiện làm việc thích hợp thông qua thực hành sản xuất sạch hơn, bạn có thể làm tăng ý thức của các cán bộ, đồng thời xây dựng ý thức kiểm soát chất thải. Các hoạt động như vậy sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn đạt được khả năng cạnh tranh.
Tuân thủ luật môi trường tốt hơn: Các tiêu chuẩn môi trường về phát thải các chất thải (lỏng, rắn, khí) đang trở nên nagỳ một chặt chẽ hơn. Để đáp ứng được các tiêu này thường yêu cầu việc lắp đặt các hệ thống kiểm soát ô nhiễm phức tạp và đắt tiền. Sản xuất sạch hơn hỗ trợ cho việc xử lý các dòng thải, và do đó doanh nghiệp sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn thải một cách dễ dàng, đơn giản và rẻ tiền hơn. Sản xuất sạch hơn dẫn dến việc giảm chất thải, giảm lượng phát thải và thậm chí giảm cả độc tố theo qui luật vòng tròn.
Đánh giá sản xuất sạch hơn là gì?
Đánh giá SXSH  là các hoạt động được tiến hành nhằm xác định các khả năng có thể mang lại hiệu quả cho cơ sở sản xuất; được thực hiện bởi bản thân doanh nghiệp hoặc do cơ quan tư vấn hỗ trợ. Việc đánh giá SXSH thường tập trung vào trả lời các câu hỏi:
•           Các chất thải và phát thải Ở ĐÂU sinh ra ?
•           Các chất thải và phát thải phát sinh do NGUYÊN NHÂN nào?
•           Giảm thiểu và loại bỏ các chất thải và phát thải trong doanh nghiệp NHƯ THẾ NÀO?
Đánh giá sản xuất sạch hơn là một tiếp cận có hệ thống để kiểm tra quá trình sản xuất hiện tại và xác định các cơ hội cải thiện quá trình đó hoặc sản phẩm.
Quá trình đánh giá SXSH  được chia thành sáu bước là:
1. Khởi động;
2. Phân tích các công đoạn sản xuất;
3. Phát triển các cơ hội SXSH;
4. Lựa chọn các giải pháp SXSH;
5. Thực hiện các giải pháp SXSH;
6. Duy trì SXSH.
Sáu bước này  phân ra thành 18 nhiệm vụ, cụ thể như sau:
 
Các trở ngại khi thực hiện SXSH
Những điều suy diễn về sản xuất sạch hơn
Có rất nhiều điều suy diễn về sản xuất sạch hơn. Tất cả những suy diễn sau là sai:
•           Sản xuất sạch hơn chỉ thích hợp với các doanh nghiệp lớn;
•           Sản xuất sạch hơn đòi hỏi đầu tư lớn;
•           Sản xuất sạch hơn yêu cầu công nghệ hiện đại; và
•           Sản xuất sạch hơn có tiềm năng hạn chế.
Các suy nghĩ cản trở sản xuất sạch hơn
Sản xuất sạch hơn sẽ cải thiện cho doanh nghiệp của bạn. Tuy nhiên sự cải thiện này yêu cầu một số thay đổi và có rất nhiều suy nghĩ cản trở sự thay đổi này:
•           Sợ bị xem là ngớ ngẩn;
•           Sợ làm ảnh hưởng đến phương thức truyền thống;
•           Sợ làm một mình;
•           Sợ bị chỉ trích;
•           Sợ bị lợi dụng; và
•           Sợ mắc phải lỗi.

Các suy nghĩ sau đã được minh chứng là sẽ “dập tắt”mọi ý tưởng mới
Đừng bao giờ chấp nhận các câu trả lời sau:
•           Để nghĩ sau đã;
•           Chúng tôi đã thử rồi;
•           Bây giờ không phải lúc;
•           Anh/chị không hiểu được vấn đề của chúng tôi;
•           Hãy nói với ông X, đây không phải là việc của tôi;
•           Lý thuyết thì có vẻ hay đấy nhưng sẽ không thực hiện được trong thực tế;
•           Mô hình sản xuất của chúng tôi quá lớn hoặc quá nhỏ;
•           Nó sẽ không làm được với sản xuất của chúng tôi; và
•           Nó không phù hợp với kế hoạch của chúng tôi.
Trên đây là những tóm lược chung nhất về khái niệm SXSH, các nhóm giải pháp và lợi ích doanh nghiệp có thể gặt hái được khi áp dụng SXSH, phương pháp đánh giá SXSH và một số trở ngại khi thực hiện. Hi vọng những tóm lược này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình triển khai thực hiện SXSH./.
Theo sxsh.vn 

Đổi mới công nghệ: Hỗ trợ không đủ, DN thờ ơ


Nhiều địa phương đều có nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ các quỹ này không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Năm 2007, TP.HCM giao Sở KH-CN TP.HCM 50 tỷ đồng để thành lập Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM. Sau bốn năm đi vào hoạt động, mới chỉ có bảy doanh nghiệp nhận được vốn vay từ Quỹ nói trên với tổng số tiền 30 tỷ đồng. So với hơn 140 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở TP.HCM thì đây quả là con số vô cùng ít ỏi!
Vốn ưu đãi không dễ vay
Giữa năm 2008, Công ty cổ phần Cơ khí và đúc kim loại Sài Gòn đã được Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM rót vốn vay bốn tỷ đồng cho dự án đầu tư dây chuyền công nghệ đúc mẫu chảy. Đây là công nghệ dùng để đúc các chi tiết cơ khí phức tạp với độ chính xác cao, công suất 600 tấn/năm. Là đơn vị đầu tiên được vay nguồn quỹ này, ông Lê Việt, Giám đốc công ty cho biết: thủ tục vay không quá khó, không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh tính khả thi của dự án cho hội đồng xét duyệt.
Nhưng không phải đơn vị nào cũng được may mắn như thế… Ông Lê Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đô Thành, đơn vị đăng ký vay đầu tư vào dây chuyền sản xuất nắp nhựa chịu gas và không gas theo công nghệ dập nén, cho biết khi thẩm định dự án, thành viên thẩm định về khoa học – công nghệ ủng hộ, nhưng thành viên thẩm định về tài chính lại ít quan tâm đến hiệu quả của công nghệ, mà chỉ quan tâm đến việc thu hồi vốn.
Hiệu quả của Quỹ phát triển KH-CN đã được các doanh nghiệp chứng minh qua thực tiễn. Ông Kỳ Thiết Bảo, Giám đốc Công ty Thiết Bảo chia sẻ: đầu năm 2011, tiếp cận được nguồn vốn vay từ quỹ, công ty đã đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng cho sản phẩm do mình nghiên cứu. Sau hơn một năm mở rộng sản xuất, Thiết Bảo đã có hơn 30 dòng sản phẩm máy quấn dây với doanh thu đạt từ 5 – 6 tỷ đồng.
Theo bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ TP.HCM: Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM cho vay ưu đãi nhằm kích thích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Số tiền Quỹ cho vay bằng 70% tổng vốn đầu tư cho dự án, nhưng không quá 10 tỷ đồng. Lãi suất vay chỉ bằng 50% so với lãi suất ngân hàng. Thời hạn vay bốn năm và được gia hạn thêm hai năm. Vì cho vay không thế chấp nên Quỹ đưa ra nhiều điều kiện buộc doanh nghiệp phải đáp ứng, chứng minh được hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn, chứng minh tài chính ba năm liền tăng trưởng tốt, chứng minh năng lực sản phẩm bằng hợp đồng… Một dự án vay thường phải mất sáu tháng trở lên để chỉnh sửa thủ tục, thẩm định, xét duyệt.
Hỗ trợ không đủ, doanh nghiệp thờ ơ
Tháng 8.2011, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND về triển khai Chương trình KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2015.
Theo đó, doanh nghiệp đăng ký vay vốn dùng vào việc đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm, tiết kiệm năng lượng sẽ nhận mức hỗ trợ từ 100 – 300 triệu đồng; áp dụng sản xuất sạch, xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhận mức hỗ trợ từ 100 – 300 triệu đồng; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo các tiêu chuẩn quốc tế, 30 – 100 triệu đồng; ứng dụng công nghệ thông tin với mức hỗ trợ từ 20 – 100 triệu đồng; phát triển tài sản trí tuệ với mức hỗ trợ từ 8 – 30 triệu đồng… Tuy nhiên, đến hết tháng 3.2012, vẫn chưa có doanh nghiệp nào gửi hồ sơ đăng ký xin hỗ trợ.
Trước đó, từ năm 2001, Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có chương trình KH-CN hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tổng kết chương trình này, số doanh nghiệp tham gia để nhận sự hỗ trợ còn khá khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân là sự hỗ trợ chưa hấp dẫn doanh nghiệp khi vốn vay chỉ dừng lại ở mức 30% kinh phí của dự án đăng ký vay và không quá 100 triệu đồng.
Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai cũng có chương trình tương tự, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 2011 – 2015. Doanh nghiệp có thể tham gia nhiều đề án khác nhau từ áp dụng công cụ quản lý tiên tiến, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website, đến nghiên cứu sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng… với số tiền dao động từ 1,5 – 350 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng thuộc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nguồn vốn trên không thấm tháp gì so với các doanh nghiệp lớn, nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự hỗ trợ nói trên là rất cần thiết. Dù vậy, nó mới chỉ mang tính chất nguồn vốn “mồi” ban đầu nhằm mục đích kích thích cho doanh nghiệp đổi mới.

Thái Ngọc
Theo khoahoc.baodatviet.vn 

Công ty CP Nhựa Tân Phú: Đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường


Dự án "Đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất nắp chai chứa thực phẩm và vỏ bình ắc quy N25" của Công ty CP Nhựa Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) được thực hiện với hỗ trợ của Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF). Nhờ đổi mới công nghệ, công ty đã tiết kiệm được chi phí, giảm tiêu hao điện năng đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường.
Công ty CP Nhựa Tân Phú là một doanh nghiệp nhựa hàng đầu, có uy tín trong ngành công nghiệp nhựa Việt Nam. Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nhựa bao bì rỗng bằng nhựa PEHD, PET, các loại can, thùng rỗng, các loại két bia, nước ngọt, các loại chai nhiều lớp, vỏ bình ắc quy các loại. Công nghệ và máy móc thiết bị đang sản xuất đã qua nhiều năm sử dụng thuộc thế hệ cũ và đều sử dụng hệ thống thủy lực: Một động cơ công suất lớn sử dụng cho toàn bộ máy với nhiều chức năng khác nhau thông qua các bộ truyền động, do đó, tải của động cơ không đều nên hiệu suất của động cơ điện thấp, tiêu hao năng lượng cao. Những tác động tiêu cực đến môi trường của các máy thế hệ cũ là: Mỗi máy thải ra 400 lít dầu thủy lực/năm; Năng suất nhỏ, tiêu hao điện nhiều dẫn đến suất tiêu thụ điện lớn.

Áp dụng giải pháp SXSH tiết kiệm năng lượng, Công ty thực hiện lắp đặt bộ biến tần cho các máy đang hoạt động để giảm tiêu hao điện năng.
Trên cơ sở kết quả của chương trình SXSH và tiết kiệm năng lượng mà Công ty đã tham gia, chuyên gia của Trung tâm SXSVN và lãnh đạo Công ty đã xây dựng dự án đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện hơn với môi trường bằng thay đổi dòng máy thế hệ cũ ép thủy lực bằng ép điện. Mặt khác, hiệu suất làm việc của máy giảm dần theo thời gian làm việc vì dầu thủy lực khi hoạt động bị ma sát nóng lên nên làm giảm áp suất. Trong máy ép điện thế hệ mới, các chu kỳ hoạt động đựơc điều khiển riêng biệt bằng động cơ điện, đến chu kỳ nào thì động cơ điều khiển chu kỳ đó hoạt động, các động cơ khác không hoạt động nên công suất tiêu tốn giảm đi rất nhiều dẫn đến suất tiêu thụ điện năng/1 kg sản phẩm nhựa giảm đáng kể. Máy ép phun thủy lực sử dụng động cơ điện riêng cho từng bộ phận nên sử dụng điện không bị non tải vì khi bộ phận nào hoạt động thì động cơ của bộ phận đó khởi động. Công suất tiêu thụ thay đổi theo sự biến đổi tải. Trong giai đọan giữ áp suất, động cơ servo giảm tốc độ quay và tiêu thụ ít điện năng.
So với dòng máy ép thủy lực đang sử dụng tại hầu hết các nhà máy nhựa tại Việt Nam, máy thế hệ mới có nhiều ưu điểm vượt trội như sau: Tiết kiệm được điện năng; Tái sử dụng được 30 - 40% phế liệu nhựa; Thời gian vận hành cho một chu trình được rút ngắn do đó năng suất cao hơn; Sử dụng động cơ điện servo tiết kiệm năng lượng; Giảm lựơng nhớt thủy lực sử dụng cho hai máy ép điện.

Để đánh giá ưu điểm nổi bật này của dòng máy ép điện thế hệ mới, mỗi máy được gắn đồng hồ điện để theo dõi lượng điện năng tiêu thụ của mỗi máy.
Công ty đã đầu tư 135.363 USD để thực hiện dự án. Sau khi hệ thống thiết bị mới đi vào hoạt động ổn định, Trung tâm SXSVN đã tiến hành đánh giá và xác nhận hệ thống thiết bị mới đã giảm tiêu thụ điện năng so với hệ thống thiết bị cũ là 575.271 kWh/năm, cũng đồng nghĩa với giảm phát thải khí nhà kính tương đương 343.437 kg CO2/năm (85% mức dự tính trong dự án). Như vậy dự án đã đạt được mức trả thưởng 25% vốn vay ngân hàng để thực hiện dự án. Đây là mức thưởng cao nhất của Quỹ GCTF cho việc cải thiện môi trường.
Theo Chuyên đề Môi trường công nghiệp - Số 28/2011

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Đổi mới công nghệ với Quỹ Ủy thác Tín dụng Xanh


ThienNhien.Net – Phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường, đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý… là những giải pháp quan trọng cần được hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ, để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp. Việc Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (Green Credit Trust Fund – GCTF) ra đời sẽ góp phần thúc đẩy các giải pháp này – bà Nguyễn Lê Hằng, điều phối viên GCTF tại Việt Nam, chia sẻ.

- Xin bà cho biết Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh có mặt tại Việt Nam khi nào?

Bà Nguyễn Lê Hằng: Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) dành cho các nước đang phát triển, nhằm thúc đẩy đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Mô hình này đã được SECO triển khai trước đó ở Colombia và Peru (thuộc nhóm quốc gia mục tiêu của chương trình hỗ trợ mà SECO dành cho các nước đang phát triển). Từ kinh nghiệm triển khai tại hai quốc gia này và qua khảo sát đặc điểm, hiện trạng hoạt động của ngành ngân hàng cũng như các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cuối năm 2007, SECO đã chính thức cho ra mắt Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Việt Nam thông qua sự điều phối của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam(VNCPC).

 - Liệu đây có phải là một hình thức tín dụng mới ở Việt Nam và có nhận được sự tham gia của các tổ chức tài chính trong nước?

Bà Nguyễn Lê Hằng: Cơ chế hoạt động của GCTF khá khác biệt so với các quỹ hỗ trợ về môi trường khác ở Việt Nam. Nguồn ngân sách của GCTF do SECO cung cấp (5 triệu USD) chỉ bao gồm 2 mục tiêu: hỗ trợ thế chấp thông qua bảo lãnh (2 triệu USD) và trả thưởng cho dự án hoàn thành (3 triệu USD).
Trong khi đó, điểm chung của hầu hết các quỹ khác là “có một nguồn vốn hoạt động riêng” được huy động từ nhiều nguồn khác nhau (như ngân sách nhà nước, nguồn vay tín dụng từ ngân hàng lớn, đối ứng của ban quản lý hay ban điều hành Quỹ, khoản hỗ trợ không hoàn lại từ các dự án, chương trình hợp tác phát triển do nước ngoài tài trợ, …) và do Ban quản lý quỹ điều hành.

Về cơ chế hỗ trợ tài chính, GCTF hỗ trợ bảo lãnh và trả thưởng sau khi dự án được thực hiện thành công, trong khi các quỹ khác cung cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi. Nguồn tín dụng cấp cho các dự án GCTF là từ các dòng ngân sách dành cho tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp của ba ngân hàng thương mại được VNCPC lựa chọn làm đối tác gồm ACB, Techcombank, và VIB.

- Xin hỏi, tại sao lại là tín dụng XANH?

Bà Nguyễn Lê Hằng: “Xanh” ở đây mang hàm ý về môi trường. Tác động môi trường mà GCTF quan tâm bao gồm: phát thải CO2 (thông qua giảm tiêu thụ nhiên liệu và điện năng), phát thải ODS, PTS, giảm sử dung nước sạch, BOD, COD, TOC, bụi ngoài trời PM10, … Tính chất “xanh” còn thể hiện ở tiêu chí lựa chọn dự án. Dự án thay đổi thiết bị hay công nghệ phải hướng tới việc giảm một chỉ thị tác động xấu đến môi trường ít nhất 30% so với hiện trạng hoặc nếu là trường hợp đầu tư một dây chuyền sản xuất mới thì công nghệ được lập dự án phải thể hiện tính ưu việt về bảo vệ môi trường so với một dự án đầu tư sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, GCTF khích lệ doanh nghiệp đầu tư để cải thiện môi trường đạt mức cao hơn so với mức cơ bản đươc pháp luật quy đinh.
Một số dự án đã được thực hiện trong khuôn khổ của Quỹ đã giúp các công ty ứng dụng công nghệ tiến tiến để giảm điện năng tiêu thụ hoặc giảm lượng nước sạch phải khai thác cho sản xuất và lượng phát thải CO2 do tận dụng được năng lượng tái tạo (sinh khối, mặt trời).

- Xin bà cho biết những đối tượng nào sẽ được Quỹ ưu tiên?

Bà Nguyễn Lê Hằng: Nhóm đối tượng mục tiêu của Quỹ, xét về quy mô,  là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có vốn điều lệ dưới 5 triệu USD (trong đó vốn trong nước chiếm ít nhất 51%) và số lượng công nhân viên dưới 1.000 người. Còn với tiêu chí ngành nghề, nhóm mục tiêu bao gồm tất cả các doanh nghiệp có sản xuất công nghiệp (bao gồm cả chế biến nông sản) và một số ngành dịch vụ.

Để tiếp cận GCTF, các DN sẽ phải đệ trình kế hoạch kinh doanh và trải qua các quy trình xét duyệt như: thông qua 3 ngân hàng để vay vốn theo quy trình thực hiện của các ngân hàng này, thông qua Trung tâm sản xuất sạch (VNCPC) xem xét, đánh giá về kỹ thuật của các dự án đầu tư, xác định hiện trạng môi trường trước khi đầu tư và đánh giá mức độ cải thiện môi trường sau khi lắp đặt công nghệ sản xuất mới và thông qua SECO để ký duyệt khi có đầy đủ kết luận của VNCPC và ngân hàng.

- Cho đến thời điểm này, đã có bao nhiêu dự án được hưởng lợi từ GCTF?

Bà Nguyễn Lê Hằng: Quỹ đã nhận được khoảng 50 hồ sơ đăng ký dự án, trong số này có 30 dự án đạt được các điều kiện sàng lọc ban đầu. Từ đó có 18 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và hiện tại có 7 dự án đã giải ngân và 4 dự án đã được trả thưởng. Dự án có giá trị tín dụng lớn nhất là 970.000USD và được trả thưởng ở mức 15%. Ở chiều ngược lại là dự án được giải ngân 101.942USD và được trả thưởng ở mức 25%..

Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ theo khuôn khổ GCTF nằm trong khuôn khổ tiếp cận sản xuất sạch hơn. Áp dụng cách tiếp cận này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng và nguyên vật liệu; thu hồi, tái sử dụng được nhiều loại phế phẩm; cải thiện điều kiện làm việc và sức khỏe, giảm phát thải ra môi trường; cải thiện hình ảnh doanh nghiệp và mở ra cơ hội thị trường mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thế việc “xanh” hơn do thực hiện sản xuất sạch hơn là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh.

- Xin chân thành cảm ơn bà!