Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Trần Văn Nhân



Ông là chuyên gia tư vấn và giảng dạy trong lĩnh vực SXSH, Quản lý môi trường và Phát triển sinh thái công nghiệp. Trong quá trình hoạt động, ông đã tham gia đào tạo cán bộ và tư vấn thực hiện đánh giá SXSH  cho các doanh nghiệp, thuyết trình về SXSH cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp trong các dự án do quốc tế tài trợ, tư vấn chính sách cho một số cơ quan Nhà nước về quản lý môi trường ở cấp trung ương và địa phương trong khuân khổ nhiệm vụ Nhà nước.

 Bên cạnh đó, ông còn tham gia giảng dạy cho sinh viên đại học, cao học, chuyển giao công nghệ và thiết bị sản xuất cồn thực phẩm quy mô nhỏ và hệ thếng thiết bị sản xuất sinh khối tảo có sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.  

 Ông đã từng tham gia vào rất nhiều dự án công nghiệp về sản xuất sạch và bảo vệ môi trường ở VN như: “Sản xuất sạch hơn trong các nhà máy giấy” (1996 – 1997) do UNEP tài trợ, “Thành lập Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam” (1998 – 2009) do SECO Thụy Sỹ tài trợ thông qua UNIDO; “Giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” (2002 – 2005), “Đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp thông qua SXSH/quản lý môi trường (CP-EE) của UNEP khu vực (2003 -2004); Dự án Môi trường Việt Nam - Canada, Các dự án Môi trường của DANIDA tài trợ cho Việt Nam và dự án về môi trường của Ngân hàng Phát triển Châu Á ở Vịnh Hạ Long…

Quá trình học tập và làm việc

ü  1967 – 1974: Kỹ sư hóa lý tại trường ĐH Công nghệ Hóa học Mendeleyev, Matxcơva.
ü  1982 – 1984: Thạc sỹ Kỹ thuật Môi trường tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT)
ü  1985 – 1989: Tiến sỹ QT&TBCN Hóa học
ü  12/1989 – 12/1990: Thực tập sinh cao cấp Kỹ thuật môi trường tại ĐH Công nghệ Hóa học Mendeleyev, Matxcơva.
ü  1994 – 1998: Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐHBKHN.
ü  1998 – 2001: Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐHBK Hà Nội.
ü  2001 – 2008: Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐHBK Hà Nội.
ü  1998 – nay: Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam và Công ty VNCPC, ĐHBK.

Các danh hiệu được Nhà nước khen thưởng

ü  Huân chương kháng chiến hạng Ba
ü  Huân chương lao động hạng Ba
ü  Huy chương vì sự nghiệp giáo dục
ü  Huy chương vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ
ü  Chiến sĩ thi đua
ü  Nhà giáo ưu tú.

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Hội thảo giới thiệu dự án SPIN tại Bình Định




Sáng ngày 8/3/2012 vừa qua, Dự án SPIN cùng với Quỹ ủy thác Tín dụng Xanh (GCTF) đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Bình Định (PFA) tổ chức buổi hội thảo giới thiêu dự án tại thành phố Quy Nhơn – Bình Định.


Phần thảo luận với các doanh nghiệp

Buổi hội thảo đã nhận được sự quan tâm của hơn 40 doanh nghiệp Chế biến Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Bình Định thông qua PFA, trong đó, các doanh nghiệp tham gia hội thảo đã bày tỏ sự quan tâm của mình đối với việc Đổi mới Sản phẩm Bền vững và những công nghệ, kỹ thuật mà SPIN đang phát triển nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, giảm thiểu chất thải và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Song song với đó, đoàn cán bộ Dự án cũng đã có chuyển khảo sát tại 3 doanh nghiệp Chế biến Gỗ trên địa bàn để đánh giá tiềm năng Đổi mới Sản phẩm và khả năng tham gia vào Quỹ Ủy thác Tín dụng Xanh. Qua chuyến tham quan này, chúng tôi nhận thấy tiềm năng Đổi mới Sản phẩm và Đổi mới Công nghệ của các doanh nghiệp trên là rất lớn. Tại hầu hết các doanh nghiệp này, lượng nguyên liệu đầu vào được đưa vào sản phẩm chỉ dao động từ 45-55%, còn lại được bỏ đi, hoặc dùng làm nhiên liệu cho lò sấy, hoặc được bán lại với giá rẻ… gây ra một sự lãng phí rất lớn. Những phụ phẩm này đều là những nguồn nguyên liệu quý, có chất lượng khá tốt và hoàn toàn có thể dùng làm nguyên liệu đầu vào cho một dây chuyền sản xuất khác như đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập…. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên hoàn toàn có thể nghiên cứu ứng dụng công nghệ khí hóa, sản xuất nhiên liệu sinh khối để tiết kiệm chi phí cho lò đốt, sấy và gia tăng giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Về những dự định sẽ triển khai với các doanh nghiệp trên:

-       Đánh giá  khả  năng  tham  gia  và  đề  xuất tham gia vào Quỹ Ủy thác Tín dụng Xanh dựa vào nguyện vọng của các doanh nghiệp,

-       Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng  công  nghệ  khí  hóa,  phát  triển  nhiên liệu, hệ thống năng lượng mặt trời…

-       Chuyên gia thiết kế sẽ tham quan và làm việc với các doanh nghiệp để đề xuất việc phát triển sản phẩm từ phụ phẩm hiện nay nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu đầu vào và gia tăng giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp.

GCTF hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam



Quỹ Uỷ thác tín dụng xanh do Chính phủ Thuỵ Sĩ (SECO) thành lập tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Quỹ được vận hành có sự phối hợp của cơ quan tài trợ SECO, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam và các ngân hàng ACB, TECHCOMBANK và VIB.


Quỹ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về bảo lãnh tín dụng (50%) và hoàn trả một phần (tới 25%) vốn vay ngân hàng để đầu tư cho công nghệ thân thiện với môi trường tuỳ theo tác động cải thiện môi trường của công nghệ đó. 
Triển khai tại Việt Nam, GCTF có 4 phía tham gia là các ngân hàng thương mại Việt Nam (ACB, Techcombank, VIBank), Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), Trung tâm tham vấn tại Thuỵ Sĩ và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ. Ba ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ đánh giá DN về hiện trạng tài chính, đàm phán, thiết lập điều kiện vay (lãi suất, thời hạn vay, các điều khoản…), giải ngân và thu hồi vốn vay, khai thác khách hàng mới. Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam sẽ thẩm định dự án của DN về mặt kỹ thuật để xác định tính khả thi của dự án, tư vấn cho ngân hàng về tài chính của công nghệ sản xuất sạch hơn trong dự án và các vấn đề tác động đến môi trường, kiểm tra, đánh giá hiệu quả của dự án để xác định mức trả thưởng. Trung tâm tham vấn tại Thuỵ Sĩ sẽ tư vấn cho VNCPC về kỹ thuật đối với các dự án có giá trị tín dụng trên 100 ngàn USD. Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ  phát hành thư tín dụng, chuyển tiền cho 3 ngân hàng Việt Nam thông qua RBC (Royal Bank of Canada).

Đối tượng của Quỹ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam (vốn điều lệ < 5 triệu USD hoặc< 1000 công nhân) trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, GCTF vẫn hỗ trợ đối với các công ty lớn, đang dẫn đầu trong một lĩnh vực có nhiều DN tương tự quy mô nhỏ hơn đang hoạt động, để có thể nhân rộng mô hình cải thiện môi trường sau khi thành công.

Liên hệ:
VNCPC
Nguyễn Lê Hằng
(04) 3868 4849, ext 14
Mobile: 0912 467 692
ACB
Lê Thị Thường Chiếu
chieultt@acb.com.vn       
(08) 3929 0999, ext 171
Mobile: 0917 215  679

TECHCOMBANK
Nguyễn Thi Khai Phuong
(04) 3944 6368,ext  2704
Mobile: 0904 369 373


VIBank
Nguyễn Thị Khánh Hoài
(04) 6276 0068, ext 4668
Mobile: 0902 229 449

Theo báo Công thương

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam - VNCPC


Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam được thành lập dưới sự tài trợ của Chính phủ Thụy Sỹ trong khuôn khổ dự án VIE/96/063 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết với Tổ chức phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) ngày 22 tháng 4 năm 1998.

Năm 2009, thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường đã hoàn tất việc chuyển đổi Trung tâm sang hình hức hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với tên gọi là Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam và tên giao dịch là Công ty VNCPC - là một thành viên trong Bách Khoa Holdings của trường. Về hợp tác quốc tế, VNCPC cũng là thành viên trong mạng lưới quốc tế về “Xúc tiến và thực hiện Sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn” (Resource Efficiency and Cleaner Production - RECP) của UNIDO-UNEP.

Ngày 5 tháng  3 năm 2010, tại cuộc họp ba bên của dự án ”Đẩy mạnh các dịch vụ mới về sản xuất sạch hơn ở Việt Nam thông qua Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam” mang mã số US/VIE/04/064 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, gồm đại diện của các vụ chức năng thuộc các bộ KH&DT, Tài chính, Công Thương, KH&CN, Ngoại giao,  TN&MT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Vịên Khoa học và Công nghệ Môi trường; đại diện UNIDO và đại diện SECO, Đại sứ quán Thuỵ Sỹ tại Hà Nội đã nhất trí kết thúc dự án này và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã trao “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” cho Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam.



Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đã đào tạo và xây dựng một mạng lưới các chuyên gia làm nòng cốt, tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng SXSH và phát triển dịch vụ này trên cơ sở kết hợp với các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.  

Những hoạt động hỗ trợ nghiên cứu chính sách, phổ biến thông tin đã giúp trung tâm tạo dựng được mối quan hệ hợp tác và đối tác rộng rãi với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế có cùng quan tâm đến phát triển bền vững ở Việt Nam. Các hoạt động của trung tâm sản xuất sạch Việt Nam được quản lý theo ISO 9001 và 14001 do SGS của Thuỵ Sỹ cấp từ năm 2002 đến nay.

Trong gần 15 năm thành lập và phát triển, VNCPC đã triển khai nhiều dự án về Sản xuất sạch hơn và xúc tiến phát triển bền vững trong cộng đồng công nghiệp Việt Nam như: “Sản xuất sạch hơn” do SECO tài trợ thông qua UNIDO, “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do UNEP tài trợ, “Sản xuất sạch hơn vì các sản phẩm tốt hơn” do EC tài trợ. Trong đó, trung tâm đã triển khai thành công trình diễn kỹ thuật đánh giá SXSH trên 300 doanh nghiệp tạo dựng được uy tín cho mình trong các doanh nghiệp. 

Với những kết quả thực tế đã đạt được khẳng định sản xuất sạch hơn hoàn toàn có thể được áp dụng thành công trong công nghiệp ở nước ta mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường. Đây thực sự là một công cụ hiệu quả giúp các doanh nghiệp tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Mục tiêu lâu dài của Công ty trung tâm sản xuất sạch Việt Nam là đóng vai trò xúc tác và điều phối để thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua áp dụng sản xuất sạch hơn và các kỹ thuật liên quan.


Nhiệm vụ chính của Trung tâm gồm:

- Thúc đẩy khái niệm về các công cụ phát triển công nghiệp bền vững và nâng cao nhận thức trong cộng đồng công nghiệp và các tổ chức chính phủ.
- Hoạt động như cơ quan đầu mối tại Việt Nam trong mạng lưới quốc tế "Xúc tiến và thực hiện Sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn" của UNEP/UNIDO.

Định hướng

VNCPC phấn đấu trở thành “Một tổ chức tri thức”, cung cấp dịch vụ chất lượng cao về sử dụng hiệu quả tài nguyên và các giải pháp sản xuất sạch hơn, mang lại giá trị tăng thêm cho các doanh nghiệp công nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và các cơ quan Chính phủ, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp bền vững tại Việt nam.



Để doanh nghiệp sản xuất xanh hơn


Phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường, đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý… là những giải pháp quan trọng cần được hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ, để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp. Việc Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (Green Credit Trust Fund – GCTF) ra đời sẽ góp phần thúc đẩy các giải pháp này – bà Nguyễn Lê Hằng, điều phối viên GCTF tại Việt Nam, chia sẻ.

- Xin bà cho biết Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh có mặt tại Việt Nam khi nào?

Bà Nguyễn Lê Hằng: Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) dành cho các nước đang phát triển, nhằm thúc đẩy đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Mô hình này đã được SECO triển khai trước đó ở Colombia và Peru (thuộc nhóm quốc gia mục tiêu của chương trình hỗ trợ mà SECO dành cho các nước đang phát triển). Từ kinh nghiệm triển khai tại hai quốc gia này và qua khảo sát đặc điểm, hiện trạng hoạt động của ngành ngân hàng cũng như các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cuối năm 2007, SECO đã chính thức cho ra mắt Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Việt Nam thông qua sự điều phối của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam(VNCPC).

 - Liệu đây có phải là một hình thức tín dụng mới ở Việt Nam và có nhận được sự tham gia của các tổ chức tài chính trong nước?

Bà Nguyễn Lê Hằng: Cơ chế hoạt động của GCTF khá khác biệt so với các quỹ hỗ trợ về môi trường khác ở Việt Nam. Nguồn ngân sách của GCTF do SECO cung cấp (5 triệu USD) chỉ bao gồm 2 mục tiêu: hỗ trợ thế chấp thông qua bảo lãnh (2 triệu USD) và trả thưởng cho dự án hoàn thành (3 triệu USD).

Trong khi đó, điểm chung của hầu hết các quỹ khác là “có một nguồn vốn hoạt động riêng” được huy động từ nhiều nguồn khác nhau (như ngân sách nhà nước, nguồn vay tín dụng từ ngân hàng lớn, đối ứng của ban quản lý hay ban điều hành Quỹ, khoản hỗ trợ không hoàn lại từ các dự án, chương trình hợp tác phát triển do nước ngoài tài trợ, …) và do Ban quản lý quỹ điều hành.

Về cơ chế hỗ trợ tài chính, GCTF hỗ trợ bảo lãnh và trả thưởng sau khi dự án được thực hiện thành công, trong khi các quỹ khác cung cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi. Nguồn tín dụng cấp cho các dự án GCTF là từ các dòng ngân sách dành cho tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp của ba ngân hàng thương mại được VNCPC lựa chọn làm đối tác gồm ACB, Techcombank, và VIB.

- Xin hỏi, tại sao lại là tín dụng XANH?

Bà Nguyễn Lê Hằng: “Xanh” ở đây mang hàm ý về môi trường. Tác động môi trường mà GCTF quan tâm bao gồm: phát thải CO2 (thông qua giảm tiêu thụ nhiên liệu và điện năng), phát thải ODS, PTS, giảm sử dung nước sạch, BOD, COD, TOC, bụi ngoài trời PM10, … Tính chất “xanh” còn thể hiện ở tiêu chí lựa chọn dự án. Dự án thay đổi thiết bị hay công nghệ phải hướng tới việc giảm một chỉ thị tác động xấu đến môi trường ít nhất 30% so với hiện trạng hoặc nếu là trường hợp đầu tư một dây chuyền sản xuất mới thì công nghệ được lập dự án phải thể hiện tính ưu việt về bảo vệ môi trường so với một dự án đầu tư sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, GCTF khích lệ doanh nghiệp đầu tư để cải thiện môi trường đạt mức cao hơn so với mức cơ bản đươc pháp luật quy đinh.

Một số dự án đã được thực hiện trong khuôn khổ của Quỹ đã giúp các công ty ứng dụng công nghệ tiến tiến để giảm điện năng tiêu thụ hoặc giảm lượng nước sạch phải khai thác cho sản xuất và lượng phát thải CO2 do tận dụng được năng lượng tái tạo (sinh khối, mặt trời).

- Xin bà cho biết những đối tượng nào sẽ được Quỹ ưu tiên?

Bà Nguyễn Lê Hằng: Nhóm đối tượng mục tiêu của Quỹ, xét về quy mô,  là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có vốn điều lệ dưới 5 triệu USD (trong đó vốn trong nước chiếm ít nhất 51%) và số lượng công nhân viên dưới 1.000 người. Còn với tiêu chí ngành nghề, nhóm mục tiêu bao gồm tất cả các doanh nghiệp có sản xuất công nghiệp (bao gồm cả chế biến nông sản) và một số ngành dịch vụ.

Để tiếp cận GCTF, các DN sẽ phải đệ trình kế hoạch kinh doanh và trải qua các quy trình xét duyệt như: thông qua 3 ngân hàng để vay vốn theo quy trình thực hiện của các ngân hàng này, thông qua Trung tâm sản xuất sạch (VNCPC) xem xét, đánh giá về kỹ thuật của các dự án đầu tư, xác định hiện trạng môi trường trước khi đầu tư và đánh giá mức độ cải thiện môi trường sau khi lắp đặt công nghệ sản xuất mới và thông qua SECO để ký duyệt khi có đầy đủ kết luận của VNCPC và ngân hàng.

- Cho đến thời điểm này, đã có bao nhiêu dự án được hưởng lợi từ GCTF?

Bà Nguyễn Lê Hằng: Quỹ đã nhận được khoảng 50 hồ sơ đăng ký dự án, trong số này có 30 dự án đạt được các điều kiện sàng lọc ban đầu. Từ đó có 18 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và hiện tại có 7 dự án đã giải ngân và 4 dự án đã được trả thưởng. Dự án có giá trị tín dụng lớn nhất là 970.000USD và được trả thưởng ở mức 15%. Ở chiều ngược lại là dự án được giải ngân 101.942USD và được trả thưởng ở mức 25%..

Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ theo khuôn khổ GCTF nằm trong khuôn khổ tiếp cận sản xuất sạch hơn. Áp dụng cách tiếp cận này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng và nguyên vật liệu; thu hồi, tái sử dụng được nhiều loại phế phẩm; cải thiện điều kiện làm việc và sức khỏe, giảm phát thải ra môi trường; cải thiện hình ảnh doanh nghiệp và mở ra cơ hội thị trường mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thế việc “xanh” hơn do thực hiện sản xuất sạch hơn là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh.

- Xin chân thành cảm ơn bà!

Theo thanhnien.net