Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Đổi mới công nghệ ở các làng nghề Hà Nội

Đổi mới là yêu cầu tất yếu

Lâu nay, chúng ta vẫn dùng cái tăm để nói những chuyện nhỏ không đáng bàn. Nhưng khi Việt Nam dùng USD để nhập tăm tre thì nó không còn là chuyện nhỏ nữa. Một đất nước nhiều làng nghề, người nông dân vẫn cần việc làm thêm để tăng thu nhập, một đất nước tự hào là đất nước của tăm tre mà hàng nghìn tấn tăm tre được nhập qua các cửa khẩu là một chuyện đáng phải suy nghĩ. Việt Nam không thiếu nguyên liệu, giá nhân công Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất thế giới. Nhưng tăm ngoại vẫn... rẻ hơn. Nguyên nhân là việc sản xuất tăm của nước ngoài được hỗ trợ bởi máy móc kỹ thuật nên "nhanh, nhiều, rẻ" hơn tăm tre Việt Nam.

Với 1.350 làng nghề, Hà Nội đứng đầu danh sách làng nghề cả nước. Năm 2010, các làng nghề thu hút 170.600 hộ gia đình tham gia, giá trị sản xuất đạt hơn 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng như mặt hàng tăm tre, nhiều mặt hàng của các làng nghề Hà Nội chịu sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng nước ngoài cùng chủng loại, trên cả "sân nhà" lẫn trong xuất khẩu. Lâu nay chúng ta mới nói đến đổi mới công nghệ để tránh ô nhiễm môi trường, để bảo đảm vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, còn vấn đề quan trọng khác là đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, để thích nghi với những yêu cầu mới của xã hội. Đây là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Một trong những thí dụ dễ thấy về sự cần thiết trong đổi mới là ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Vài năm trở lại đây, nghề mây tre đan ở Phú Vinh bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội Nghệ nhân Phú Vinh, một trong những nguyên nhân là do mây tre đan Phú Vinh đang gặp sự cạnh tranh quyết liệt từ các sản phẩm cùng chủng loại của Trung Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a... Đây cũng là những nước có truyền thống về hàng thủ công mỹ nghệ. Theo ông Trung, chúng ta đang yếu thế về chất lượng sản phẩm cũng như giá thành. Nếu không có sự thay đổi từ chính các công đoạn sản xuất, từ giá thành sản phẩm thì sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh nổi. Qua khảo sát cách làm ăn của Trung Quốc, ông Trung cho biết, mặc dù là mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng hiện nay, các nhà sản xuất mây tre nước này đã áp dụng công nghệ vào khá nhiều công đoạn, nhất là khâu không đòi hỏi sự tinh xảo của bàn tay người thợ như pha chế, xử lý nguyên liệu, do đó tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. Trong khi đó, phần lớn các cơ sở sản xuất ở Phú Nghĩa vẫn chưa quan tâm việc đổi mới công nghệ trong một số công đoạn sản xuất. Nếu không có sự đầu tư, việc "hụt hơi" trong cạnh tranh là điều khó tránh.

 Bắt đầu từ đâu?

Chúng ta từng có những bài học về thành công trong đổi mới công nghệ làng nghề. Một điển hình là ở làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Hiện tại, hầu hết các cơ sở sản xuất gốm Bát Tràng đã chuyển từ lò than sang lò ga. Nhiều cơ sở chỉ giữ lò than để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Đổi mới công nghệ khiến cho môi trường làng nghề giảm ô nhiễm. Bên cạnh đó, dùng lò ga khiến người thợ hoàn toàn chủ động về điều chỉnh nhiệt độ, qua đó, cho ra đời những sản phẩm ưng ý hơn, ít sản phẩm bị lỗi, nâng cao hiệu suất. Tuy nhiên, không phải tất cả những đổi mới ở các làng nghề đều thành công.

Làng nghề Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với các sản phẩm sơn mài. Sơn mài Hạ Thái được xuất đi đến nhiều thị trường lớn trên thế giới, từ các nước châu Âu cho đến Hoa Kỳ, Nhật Bản. Trước kia, sản phẩm sơn mài Hạ Thái dùng sơn ta. Tuy nhiên, nhược điểm của việc sử dụng sơn ta là tốn nhiều thời gian sản xuất. Trong khi đó, khi thực hiện các hợp đồng với đối tác nước ngoài, vấn đề thời gian giao các lô hàng được kiểm soát rất gắt gao. Người Hạ Thái nhanh chóng đổi mới bằng việc sử dụng sơn Nhật. Việc dùng sơn Nhật cho sản phẩm đem lại hiệu quả tức thì: Sản phẩm nhanh khô, dễ xử lý và có giá thành thấp hơn ba đến bốn lần so sản phẩm làm bằng sơn ta. Vì thế, mặt hàng sơn mài Hạ Thái làm từ sơn Nhật bán khá chạy. Nhưng đó mới là một nửa của vấn đề. Sản phẩm sơn mài làm từ sơn ta là một đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam. Độ bền của sản phẩm này lên tới vài trăm năm. "Đổi mới" bằng việc dùng sơn Nhật đem lại cái lợi trước mắt. Song về lâu dài, nguy cơ mai một nghề truyền thống là điều hiện hữu. Chính nghệ nhân Đỗ Trọng Tuất - một nghệ nhân cao niên của làng Hạ Thái thừa nhận là làng nghề ngày càng ít người thợ khéo tay. Nếu mải chạy theo vấn đề trước mắt, nghề sơn mài truyền thống có thể biến mất hoàn toàn.

Một vấn đề nan giải không kém trong đổi mới là nguồn vốn. Những máy móc sơ chế nguyên liệu mây tre đan như ở Phú Vinh có giá thành lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, phần đông các hộ gia đình làm nghề mây tre đan đều là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, khả năng đầu tư vốn hạn chế. Không những thế, việc mua các loại máy móc phục vụ cho đổi mới công nghệ làng nghề không dễ. Nhận thấy nghề mây tre đan có thể sử dụng máy móc vào nhiều công đoạn không đòi hỏi sự tinh tế của bàn tay con người, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là người tiên phong trong đổi mới công nghệ. Nhưng để đổi mới công nghệ cho cơ sở sản xuất của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung phải nhập khẩu máy từ Trung Quốc. Như thế, để làng nghề phát triển, chúng ta vẫn còn thiếu một mảng quan trọng trong công nghiệp, đó là sản xuất máy móc phục vụ làng nghề.

Cần những giải pháp cụ thể
Hà Nội đã soạn dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có vấn đề đổi mới công nghệ làng nghề, nhưng vấn đề này được đề cập rất sơ lược. Những giải pháp được xem là quan trọng nhất trong dự thảo Quy hoạch này mới chỉ dừng lại ở mức khuyến khích các hộ sản xuất áp dụng công nghệ mới, cơ quan chức năng của thành phố hỗ trợ nghiên cứu và tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... Nếu chỉ làm như vậy thì không thể giải quyết những vấn đề bức xúc nêu trên ở các làng nghề. Hiện nay, thành phố đã phân nhóm những làng nghề như: làng nghề thêu ren; làng nghề mây - tre - đan, tăm hương, làm lồng chim; làng nghề cơ kim khí... Việc cần thiết là phải đánh giá thực trạng những nhóm ngành nghề nào có thể đổi mới công nghệ thay cho lao động thủ công; những công đoạn cụ thể nào cần đổi mới, từ đó mới đưa ra những biện pháp thiết thực để hỗ trợ người nông dân. Đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng một nền công nghiệp hỗ trợ cho các làng nghề ở khu vực nông thôn, có như vậy các làng nghề, nhất là làng nghề tiểu thủ công nghiệp mới có thể phát triển bền vững, giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo Nhandan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét